.

Chat nơi công sở

Từ Chat trong tiếng Anh - nghĩa tiếng Việt là tán gẫu - giờ đây đã trở thành phổ biến không những trong giới thanh-thiếu niên, khi tiếp cận với “thế giới @” mà cả trong các đối tượng công chức Nhà nước, khi công sở của họ được trang bị máy vi tính và nối mạng.

Ở góc độ tích cực, người ta chat với nhau những lúc nhàn rỗi, tâm sự trao đổi bao chuyện đời, chuyện tình cảm và cả chuyện làm ăn, v.v... âu cũng là lẽ thường tình. Bên cạnh đó, chat - ở một khía cạnh nào đó - còn giúp tiết kiệm được thời gian, tiền bạc (cước phí điện thoại) và không làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.
 
Ở cơ quan tôi, lãnh đạo đã cho thiết lập mạng chat nội bộ để cán bộ, công chức trao đổi công việc chuyên môn khi cần thiết, xin ý kiến của lãnh đạo cũng như lãnh đạo có thể kiểm tra cấp dưới có ngồi trước máy làm việc không hay bỏ ra khỏi cơ quan, do trên mạng có báo các chế độ “online”, “away” hay “offline”, tương ứng với “đang trên mạng”, “không có trên mạng” và “tắt máy”. Sáng kiến này có hiệu quả đáng kể, tiết kiệm được chi phí điện thoại, không gây ồn cho mọi người trong phòng, lại lĩnh hội nhanh ý kiến của lãnh đạo…

Ở mặt tiêu cực cũng có không ít điều đáng nói. Không đề cập đến dạng “chat chit” của giới trẻ ngoài xã hội, chuyện chat trong công sở cũng đã được giới công chức lợi dụng, biến cái lợi cho tập thể thành cái lợi cho cá nhân, cái chung thành cái riêng, cái có ích thành có hại. Giữa cái chính đáng và không chính đáng trong “chat ở công sở” có một ranh giới rất mong manh. Đối với những người công việc nhiều, bận rộn không ngơi nghỉ thì dù màn hình đang trong cơ chế hoạt động họ vẫn không màng đến những “lời mời chào” của các “bạn chát” quen biết hoặc “vô danh”.
 
Có người đã biết cách che giấu danh tính của mình một cách khéo léo, làm người khác lầm tưởng họ không có mặt trước máy nên không “phát tín hiệu” mời chát. Không ít trường hợp, công chức nào rảnh rỗi một chút, ít việc một tí là sẵn sàng chat ngay. Đối với những đối tượng mà người ta hay gọi là “chater chuyên nghiệp” hay là “thợ chat”, vào nơi họ làm việc trong giờ hành chính, sẽ thấy họ đang dán mắt chăm chú trên màn hình tưởng là rất bận rộn nhưng thực ra là đang say sưa... chat.

Nhiều người cũng khá nhanh nhạy khi cho ẩn đi các nickname đang chat với mình nếu ai đó cố tình phát hiện. Nội dung về chat nơi công sở cũng muôn màu muôn vẻ, từ chuyện sếp A khó tính, trưởng phòng B chịu chơi, chị C dễ thương hay đến bà D dễ ghét… Rồi là chuyện về giá cả, thời trang, vụ án... Những đối tượng nam nữ công chức còn độc thân, và có cả những người đã yên bề gia thất cũng tranh thủ lên mạng tìm hiểu, hẹn hò, tỏ tình, rủ rê đi đây đó mà chỉ có 2 người biết.

Rồi là bạn bè, đồng nghiệp mời nhau đi uống cà- phê, đi nhậu cuối giờ, trao đổi với nhau những mẩu chuyện tiếu lâm, những hình ảnh, đoạn video ngộ nghĩnh, và cả những hình ảnh “tươi mát”, những đoạn phim nóng bỏng, v.v và v.v… Có những người trong cùng một lúc chat với 5-6 người, với nhiều nội dung khác nhau mà nhiều khi chỉ là những nội dung “tào lao thiên địa”, giết thời gian là chính.

Chat nơi công sở lợi hại đều có, nó đan xen lẫn lộn, mọi người có làm chủ được mình hay không trước cám dỗ của nó. Nếu không có lập trường, không tìm được công việc có ích cho bản thân, cho tập thể thì người ta rất dễ trở thành “nô lệ” của chat. Chat được ứng dụng thế nào để phục vụ cho cái chung, mang ý nghĩ tích cực, tiết kiệm, văn minh… không phải là chuyên đơn giản. Ứng xử với chat ra sao để đừng sa đà vào nó, mê đắm nó để rồi xao nhãng, bỏ bê công việc là điều cần nên tránh.

Thiết nghĩ, chuyện chat nơi công sở đang rất cần nhiều ý kiến của chính những người, những công chức đang làm bạn với nó. Làm thế nào để công nghệ thông tin ngày càng trở thành trợ thủ hữu ích cho cuộc sống, cho cộng đồng, góp phần xây dựng một bộ máy hành chính văn minh, chuyên nghiệp đang cần một câu hỏi nghiêm túc đặt ra cho những người quản lý bộ máy đó.

Diệp Dân Hùng

;
.
.
.
.
.