.

Đà Nẵng - thành phố lễ hội

.

Đà Nẵng được đánh giá là một thành phố trẻ, năng động, hiện đại và giàu tiềm lực để phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Với sự thuận lợi về cơ sở hạ tầng, về một truyền thống văn hóa đậm chất Nam Trung bộ và những con người nhiệt huyết, đầy sáng tạo, Đà Nẵng có thể cạnh tranh với những vùng đất khác trong cả nước về nhiều mặt, trong đó, việc tổ chức, tái dựng các lễ hội truyền thống và sáng tạo những lễ hội mới có thể đưa Đà Nẵng trở thành một thành phố lễ hội nổi tiếng không chỉ ở miền Trung mà còn trong cả nước.

Phát huy lợi thế sẵn có

Đà Nẵng cần đẩy mạnh việc tuyên truyền về các lễ hội diễn ra trên địa bàn thành phố.TRONG ẢNH: Một phần hoạt động của lễ hội Quán Thế Âm.

Mỗi năm, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng diễn ra nhiều lễ hội, bắt đầu từ tháng giêng như lễ hội đình làng Túy Loan, lễ hội đình làng Hòa Mỹ hay lễ hội Quán Thế Âm vào ngày 19-2 âm lịch, lễ hội đình làng An Hải trong tháng 8 âm lịch, lễ hội đua thuyền ngày 2-9 hằng năm. So với trước khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì hiện nay, chính quyền thành phố đã quan tâm nhiều hơn đến việc tổ chức, quảng bá, tuyên truyền về hoạt động của các lễ hội diễn ra ở các địa bàn dân cư trong toàn thành phố. Để Đà Nẵng có thể trở thành một thành phố lễ hội, cần phải có nhiều yếu tố. Và thực tế hiện nay cho thấy, Đà Nẵng đang có nhiều ưu thế để thực hiện được mục tiêu này.

Trước hết, đó là thuận lợi về vị trí địa lý, về cơ sở hạ tầng, về truyền thống và con người mang đậm chất Nam Trung Bộ. Đà Nẵng sẵn có nhiều lễ hội, trong đó có cả lễ hội dân gian và các lễ hội hiện đại. Quan trọng hơn cả là chính quyền thành phố đã ý thức hơn trong việc đầu tư cho các lễ hội. Và việc duy trì những lễ hội dân gian ở một số nơi cho thấy, người dân thành phố đã ý thức hơn trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy những di sản văn hóa tinh thần của địa phương.

Thêm vào đó, những nỗ lực của thành phố trong việc xây dựng các khu đô thị mới, trung tâm thương mại, hệ thống giao thông, các công trình kiến trúc đặc biệt (cầu Sông Hàn, cầu Rồng, Trung tâm Hành chính, cáp treo Bà Nà…), hệ thống tài chính, thương mại, dịch vụ, môi trường sống xanh - sạch - đẹp… đã tạo nên những viên gạch vững chắc, góp phần xây dựng một dáng vóc của thành phố lễ hội trong tương lai.

Những việc cần làm

Xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố lễ hội không chỉ liên quan đến việc tổ chức các lễ hội mà còn phải chú trọng đến việc làm sao thu hút, lôi cuốn người dân địa phương, kể cả du khách trong và ngoài nước cùng tham dự, thưởng thức. Thế nhưng, công tác quảng bá, tuyên truyền về các lễ hội này vẫn còn nhiều hạn chế. Một số lễ hội diễn ra chỉ thu hút được người dân bản địa, chứ chưa lôi cuốn được người dân ở các địa phương khác trong thành phố cùng tham dự.

Thông tin đến với người dân còn chậm và vì thế, không ít người bỏ lỡ dịp đến xem lễ hội. Từ thực tế này cho thấy, cần thiết phải tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá về các lễ hội dân gian truyền thống và các lễ hội mới của thành phố để người dân Đà Nẵng nói riêng, du khách trong và ngoài nước nói chung biết và đến để thưởng thức. Việc tuyên truyền có thể thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng hoặc các đơn vị lữ hành, du lịch, thông qua ngoại giao… Điểm chính vẫn là quảng bá, đưa hình ảnh những lễ hội này đến gần hơn với mọi người và trở thành những điểm hẹn không thể bỏ qua khi đến thăm Đà Nẵng.

Một điều quan trọng nữa là việc kết nối các lễ hội này thành một chuỗi sự kiện văn hóa. Lễ hội nối tiếp lễ hội và cả thành phố như sống trong một không gian văn hóa vô cùng sống động. Du khách trong và ngoài nước một khi biết về chuỗi sự kiện này, rất nhiều khả năng, họ sẽ lưu tâm và muốn đến để cùng tham dự. Ngoài ra, để tổ chức các chuỗi sự kiện lễ hội này một cách hiệu quả, thành phố cũng cần quan tâm đến việc tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các nhà văn hóa và ý kiến của người dân địa phương.

Chú trọng xây dựng nếp sống văn hóa-văn minh đô thị, tạo cho mỗi người dân lòng tự hào về thành phố, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn văn hóa. Đồng thời, tổ chức trùng tu, tôn tạo các di tích, các công trình kiến trúc văn hóa truyền thống, tạo dựng những nét cảnh quan tự nhiên, những không gian văn hóa gắn liền với đời sống của người dân địa phương.

Làm sao để mỗi khi lễ hội diễn ra là một sự kiện văn hóa đặc biệt mà nếu ai bỏ lỡ sẽ thấy nuối tiếc. Việc tổ chức một chuỗi các lễ hội văn hóa một mặt giúp cho du khách hiểu thêm về truyền thống văn hóa của người dân Đà Nẵng, mặt khác họ có thể chiêm ngưỡng những nét kiến trúc cổ, những công trình kiến trúc hiện đại, đặc biệt chỉ có ở Đà Nẵng và cả nét đẹp của cảnh quan thiên nhiên, của con người ở thành phố bên sông Hàn.

Đà Nẵng có nhiều lợi thế để trở thành một thành phố lễ hội của Việt Nam. Nếu làm được, Đà Nẵng sẽ tạo nên một lợi thế cạnh tranh hiệu quả đối với các tỉnh, thành khác trong cả nước để phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ. Với nhiều cách làm mạnh dạn, sáng tạo, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng một thành phố lễ hội mang tên Đà Nẵng trong tương lai.

Bài và ảnh: MỸ HẠNH

;
.
.
.
.
.