.

Đức công vĩnh biểu túc quan chiêm…

.

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, không ít người có công dày, nghĩa cả nhưng lại phải chịu oan khiên đến cuối đời. Lịch sử chỉ còn biết ngậm ngùi và tiếc thương cho những người như Nguyễn Trãi, Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm, Phan Thanh Giản… Trong số những tuấn kiệt anh linh nhưng lắm lầm than đó, Nguyễn Văn Thoại (hoặc Thụy) - Thoại Ngọc Hầu – “Thống chế Án thủ Châu Đốc đồn, Lãnh Bảo hộ Cao Miên Quốc ấn, Quản Hà Tiên Trấn biên vụ” là một nhân vật hết sức đặc biệt: Ông là công thần duy nhất của một triều đại mà sau khi chết rồi vẫn chẳng yên thân!

Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu vừa được trùng tu với kinh phí gần 7 tỷ đồng. (Ảnh: V.T.L)

1- Ông sinh ngày 25 tháng 11 năm Tân Tỵ (1761) và mất ngày 6 tháng 6 năm Kỷ Sửu (1829), hưởng thọ 68 tuổi. Quê hương ông ở Diên Phước, Quảng Nam – nay là phường An Hải Tây quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Có lẽ do sinh ra ở miền đất luôn “đứng trước biển” nên khát khao đột phá, thay đổi và xông pha nơi tuyến đầu của hiểm nguy và gian khó đã trở thành một tính cách nổi bật trong con người ông.

Non sông nước Việt hiếm khi thăng tạo nên một con người văn võ song toàn, đối nội, đối ngoại tinh thông, kinh tế, chính trị nhuần nhụy như ông: Vừa là Thống chế của vùng Châu Đốc (An Giang) - mảnh đất cuối cùng thuộc về giang sơn Việt năm 1757, vừa là vị “Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đầu tiên” của Việt Nam ở nước ngoài suốt 11 năm, lại vừa là quan Trấn biên của Hà Tiên (Kiên Giang bây giờ). Những danh vị ấy trên bia mộ nói lên rằng công lao nghĩa hiệp của ông nhiều lắm. 7 lần sang Xiêm, 2 lần sang Lào, 11 năm bảo hộ cho vua Kh’mer; chưa kể những công lao khác, quả là cũng độc nhất vô nhị trong lịch sử của 1.000 năm chế độ phong kiến Việt Nam.

Không phải tự nhiên mà trên bia mộ của Lăng Thoại Ngọc Hầu có câu “Đức công vĩnh biểu túc quan chiêm” (Công đức của người nằm xuống nơi đây mãi mãi là tấm gương sáng đủ đầy cho đời sau soi ngẫm). Chính lòng dân đã tạc thành bia mộ đó, cho dù những mâu thuẫn và lẽ thị phi của chốn cung đình đau đớn và oan trái biết nhường nào. Sau khi ông mất, một tên quan là Võ Du tố cáo ông tội nhũng nhiễu. Triều đình truy giáng chức, con ông bị lột tước hàm, tài sản bị tịch thu. Tuy sau đó kẻ họ Võ kia bị lưu đày vì tội vu khống nhưng triều đình cũng “lặng im như bếp lửa vừa tàn” suốt gần một thế kỷ.
 
Nỗi oan của ông mãi đến hơn 90 năm sau, dưới thời vua Khải Định mới được minh tỏa bằng phẩm hàm vua truy ban: “Đoan Tức Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần”(!). Ngẫm mà đau bởi sự thế, lẽ thời vì chính ông là một trong những người có công lớn nhất giúp cho Nguyễn Ánh thành Gia Long. Cho dù ông không bị ghép tội nhưng nghi án còn đau hơn cả cảnh tù đầy bởi miệng tiếng thị phi còn đó, sự ghẻ lạnh của chính triều mãi còn đó! Điều đáng bàn hơn nữa là dân bao giờ cũng sáng suốt, khách quan. Không một bí mật nào, không một khuất tất nào dân không hiểu. Chỉ có điều, người dân thấp cổ bé họng, chỉ có thể bày tỏ tấm lòng và sự minh triết của mình qua những câu đối ghi trên bia mộ mà thôi.

2- Nếu Nguyễn Công Trứ đã thành danh bất tử với vùng đất khai phá Thái Bình, Nam Định ở đất Bắc thì Thoại Ngọc Hầu phải được coi là vị Tiên Tổ khai canh, khai cư của đất Nam Bộ xưa. Lịch sử Việt Nam chưa từng chứng kiến một “huyền thoại có thật” rằng ngay khi còn sống, tên của Thoại Ngọc Hầu đã được vua ban cho một con kênh dài 30 km là kênh Thoại Hà (1818). Lịch sử còn phải lắc đầu “khó hiểu” hơn nữa khi tên của một người đàn bà - vợ của ông được đặt cho một con kênh dài đến 90 km – kênh Vĩnh Tế. Con kênh đó được đào trong những năm 1819-1824, khi mà vợ ông – Châu Thị Vĩnh Tế, đã luống tuần.

Ý nghĩa và bài học từ những cái tên như “Kênh Thoại Hà”, “Kênh Vĩnh Tế” có nhiều lắm. Người xưa hình như không nệ cổ như chúng ta bây giờ? Có thể đặt tên cho một con kênh – nguồn nước của cả một vùng đất bằng chính tên của người khai phá ra nó, người đang sống. Lịch sử thế giới chỉ chứng kiến một lần, tương tự, cùng thời điểm khi nhà nước Hoa Kỳ đặt tên cho thủ đô là Washington D.C., ngay khi George Washington còn sống (năm 1791). Đây không chỉ là chuyện của cái tên mà nội hàm và ngoại diên của sự tôn vinh trân trọng thông qua cái tên ấy là điều sắc sâu cho đến tận bây giờ.

Kênh Vĩnh Tế năm 1929. (Ảnh tư liệu)

3- 16 tuổi đầu quân (1777), năm 39 tuổi (1800) là Khâm sai Thượng đạo Bình Tây Tướng quân, nhưng chỉ một năm sau (1801) bị giáng chức xuống Cai đội vì tự ý bỏ vào Nam thăm “quê”. Năm 1802, Gia Long thống nhất đất nước nhưng cũng chỉ “tôn vinh” Thoại Ngọc Hầu với chức Khâm sai Thống binh Cai cơ(!) Thì ra, cái phận “thỏ chết, cung nỏ gác bếp” là chuyện mà thời nào cũng có. Đường công danh trắc trở, ông vẫn hết lòng vì dân, vì nước. Thời đó mà đã nghĩ đến chuyện đào kênh, đắp đường để giữ vững miền biên ải sao cho ranh giới rõ ràng quả là người có tầm nhìn xa trông rộng. Hơn thế nữa, ông còn là một vị quan chính trực, thanh liêm nức tiếng gần xa.

Trong công trình Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang, xuất bản năm 1972, Nguyễn Văn Hầu nhận định Thoại Ngọc Hầu là con người “…cương cường, bỉnh trực, nóng nảy, gặp việc gì là giải quyết ngay. Tục truyền sau khi ông làm quan Bảo hộ kiêm quản Châu Đốc – Hà Tiên, trộm cướp không còn hó hé, tham nhũng bay hồn. Ông nói đâu thì làm đó, hăng hái, quả quyết, xử phạt rất nghiêm”. Quả thực, để có một vị quan trấn thủ đủ khả năng làm cho “tham nhũng bay hồn, trộm cướp không hó hé” là điều không dễ dàng.

Phải chăng Thoại Ngọc Hầu được sinh ra để lập những công tích phi thường? Con kênh Vĩnh Tế là một trong những dẫn chứng điển hình. Những năm 1819-1824, vùng An Giang – Hà Tiên lúc bấy giờ dân cư thưa thớt, cỏ dại mênh mông. Để có một con kênh đào dài nhất Việt Nam, rộng như một dòng sông, đòi hỏi một tầm nhìn rất xa, một quyết tâm rất lớn. Ngân sách từ triều đình hầu như rất ít nên ông đã huy động sức dân, sức lính vất vả suốt 5 năm trời ròng rã. Đó không chỉ là khát khao mở cõi mà còn hướng tới mục tiêu nước mạnh dân giàu.
 
Gần 200 năm đã trôi qua, lịch sử vẫn vẹn nguyên: Từ ngày dẹp cỏ gai trở đi, rành rành chân núi trắng phau, trọi trọi ngọn tre xanh ngắt, cảnh núi trở nên tươi đẹp, sừng sững vọt lên. Ngắm dòng nước biếc bên bờ cao, ruộng vườn vây quanh chân núi, hơi lam tuôn cuốn lẫn khói nấu cơm, chùa chiền trên chót hương tỏa mây lồng... Đoạn văn này do chính Thoại Ngọc Hầu viết được ghi trên Bia Vĩnh Tế Sơn (Núi Sam). Đọc và ngẫm, sẽ thấy rất rõ tình cảm của ông với dân với nước mênh mông, da diết biết chừng nào!

Tôi đã từng đứng lặng hàng giờ trong khuôn viên Nhà lưu niệm cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở ngay bên bờ sông Hậu. Lúc đó (năm 2003), tôi mới chợt hiểu ra rằng Bác Tôn không hoàn toàn là công nhân như sử sách vẫn ghi: Bác Tôn đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Sài Gòn (gần như tương đương với Đại học Bách khoa bây giờ) với tấm bằng Thủ khoa (21,5 điểm in rành rành trên danh sách sinh viên tốt nghiệp (bằng tiếng Pháp), hơn người thứ hai những 3 điểm). Lịch sử đương đại mà còn sai lệch đến như thế, huống chi là câu chuyện xoay quanh một người có công đức dày, nặng như một huyền thoại là Thoại Ngọc Hầu?

Phải đứng ở Châu Đốc và ngắm nhìn con kênh Vĩnh Tế rộng lớn với ngược xuôi tàu bè tấp nập, sóng cuộn dập dồn mới thấu hiểu cái tâm, cái tầm của một người con của Đà Nẵng đã suốt đời tận tụy, tâm huyết với Đất Nước Việt mến yêu sâu nặng đến mức nào! Có lẽ, sự không công bằng của lịch sử là một phần không thể thiếu của lịch sử? Nghĩ thế nhưng không thể chấp nhận như thế(!) Hãy “trả lại tên” cho Thoại Ngọc Hầu đúng như những gì ông đã cống hiến. Hãy ghi nhớ rằng chính Thoại Ngọc Hầu là người đã “đứng” ở Đèo Hải Vân để nhìn thấy Cửa khẩu Xà Xía - cửa khẩu cuối cùng ở km cuối cùng đường biên giới trên bộ trên mảnh đất Hà Tiên…

 
THOẠI NGỌC HẦU niên biểu

 -26-11 Tân Tỵ (1761): chào đời tại làng An Hải, nay thuộc quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
-1777: đầu quân theo chúa Nguyễn Ánh, sau khi đưa mẹ và hai em vào sống tại tỉnh Vĩnh Long.
-1784: giữ chức Khâm sai Cai cơ, sau thăng Khâm sai Thống binh Cai cơ, dẹp giặc Đồ Bà ở Lang Dữ (Hòn Cau).
-1800: được phong Khâm sai Thượng đạo Bình Tây tướng quân do có công dẫn dụ các sách người Man ở Trấn Ninh và Thanh Nghệ.
-1802 (Gia Long thứ 1): thăng Khâm sai Thống binh Cai cơ, rồi Chưởng cơ, trông nom việc quân ở Bắc Thành.
-1818 (Gia Long thứ 17): được bổ làm Trấn hủ Vĩnh Thanh (Long Xuyên – Cần Thơ ngày nay), tổ chức đào kinh Đông Xuyên, khi hoàn thành được vua cho đặt theo tên ông là Thoại hà.
-1819-1824: đào kinh Châu Đốc – Hà Tiên, khi hoàn thành được vua cho đặt theo tên vợ ông là Vĩnh Tế hà.
-1821 (Minh Mạng thứ 2): lãnh Quốc ấn Bảo hộ Cao Miên kiêm Quản trấn Hà Tiên – Châu Đốc.
- 1822: dựng Bia Thoại Sơn và lập làng Thoại Sơn.
-1828: dựng Phụng đặc tứ danh Vĩnh Tế Sơn bi ký (Bia chép núi Vĩnh Tế do vua đặc biệt ban tên), gọi tắt là Bia Vĩnh Tế Sơn.
-6-6 Kỷ Sửu (Minh Mạng thứ 10 - 1829): qua đời tại Châu Đốc, an táng tại chân núi Sam, được vua Minh Mạng truy phong Tráng võ Tướng quân Trụ quốc Đô thống, được nhân dân An Giang lập đền thờ tại đây, gọi là Lăng Ông Thoại Ngọc Hầu.
V.P.Q (tổng hợp)

 

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.