(ĐNĐT) - Dự án "Sân khấu học đường" ở Đà Nẵng đã trải qua hai giai đoạn với sự tham gia của hàng trăm học sinh trên địa bàn. Từ đây, một tình yêu nghệ thuật Tuồng đã được gieo vào tâm hồn của những công chúng còn rất trẻ.
Hiểu để yêu
Lâu nay, những người đến với nghệ thuật Tuồng đều đã ít nhiều hiểu Tuồng, nhìn thấy vẻ độc đáo riêng của nhân vật. Tuy nhiên, ai cũng nhận thấy Tuồng vẫn không phải môn nghệ thuật dễ hiểu, nên nó càng ít được quan tâm khi có nhiều loại hình nghệ thuật đa dạng cho khán giả lựa chọn.
Nghệ thuật Tuồng cũng dần thưa vắng khán giả bởi trong nhiều thập kỷ qua, chúng ta đã không chuẩn bị cho một thế hệ khán giả hiểu và yêu giá trị văn hóa sân khấu Tuồng, được xem là vốn quý của sân khấu truyền thống và là viên ngọc trong kho tàng văn hoá của dân tộc.
Một cảnh tronh trích đoạn Đi sứ của học sinh Trường THCS Lê Phú Hường. |
Nói về việc đưa nghệ thuật Tuồng đến trường học, thầy Nguyễn Đình Hùng, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Phú Hường (Hòa Tiến, huyện Hoà Vang), nhận xét: “Có một tâm lý chung là một khi đã không biết thì không thể thích, không thể yêu được. Các em học sinh đến xem buổi biểu diễn đầu tiên của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh với thái độ vừa thăm dò, vừa thờ ơ vì chưa hiểu, lại khó nghe và khó xem.
Nhưng rồi sau đó, bằng chính sự phân tích, diễn giải của các nghệ sĩ, các em hiểu được giá trị của ngôn ngữ cử chỉ, điệu bộ, những ánh mắt, nét mặt thể hiện tâm trạng, nội tâm, khí khái của nhân vật trên sâu khấu hoặc các đạo cụ, các phục trang gươm giáo, râu tóc… Chính việc khơi gợi được tâm lý ham hiểu biết, khám phá cái mới, cái lạ ở học sinh nên các em tham gia thực hiện dự án một cách tự nguyện, chủ động đăng ký, tích cực luyện tập”.
Điều này có thể cắt nghĩa được tại sao đội “diễn viên nhí” của trường THCS Nguyễn Phú Hường tham gia dự án từ tháng 10-2003 nhưng sau khi kết thúc hai tháng của khóa học vẫn được duy trì, tham gia biểu diễn tại các buổi văn nghệ của trường và địa phương cho đến ngày các em tốt nghiệp ra trường.
Qua hai giai đoạn triển khai Dự án “Sân khấu học đường”, đến nay Đà Nẵng có khoảng 200 học sinh của 6 trường THCS tham gia. Trước hết, học sinh được tiếp cận với nghệ thuật Tuồng thông qua một số buổi biểu diễn chọn lọc của các nghệ sĩ sân khấu chuyên nghiệp. Cùng với các trích đoạn tiêu biểu, các nghệ sĩ giao lưu, giới thiệu những nét tiêu biểu, tinh hoa của Tuồng bằng những hình thức phong phú, sinh động.
Các em được cung cấp những kiến thức cơ bản để hiểu sự ước lệ của sân khấu Tuồng, từ cử chỉ, điệu bộ… cho đến cách đọc những thông điệp trên mặt nạ của nhân vật Tuồng.
Sau đó, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cùng với những đơn vị trường được lựa chọn tham gia dự án tuyển chọn một số học sinh có năng khiếu tham gia một khóa đào tạo ngắn ngày, chủ yếu tập biểu diễn một số trích đoạn chọn lọc.
Hy vọng của những người tiến hành là thông qua các chương trình đào tạo, sẽ góp phần mở rộng biên độ hiểu biết về nghệ thuật truyền thống trong các em học sinh, từ đó khơi dậy tình yêu đối với nghệ thuật truyền thống, và đó sẽ là lớp khán giả tiềm năng của sân khấu dân tộc.
Cần nhân rộng mô hình để có thêm khán giả
Chỉ trong vòng khoảng 12 tuần, những em tham gia học diễn Tuồng đã có thể hát khá thành thục một số làn điệu như: nói lối, hát nam, hát khách, hát tẩu mã, xướng, thán, bài nhịp III, bài nhịp lăn…
Các em cũng đã tập luyện và biểu diễn khá chuẩn các trích đoạn: Đổng Kim Lân biệt mẹ trong Tuồng Sơn Hậu; Đắc Kỷ đổi hồn trong Tuồng Trầm Hương Các; An Dương Vương hồi cuối trong Tuồng Mỵ Châu - Trọng Thủy và Trưng Vương đề cờ trong Tuồng Trưng Nữ Vương…
NSƯT Trần Đình Sanh, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho biết: “Chúng tôi không quá kỳ vọng rằng từ dự án Sân khấu học đường sẽ tìm được diễn viên cho nhà hát, mà là tạo ra một bộ phận có hiểu biết về nghệ thuật Tuồng. Đây là cơ hội để gieo vào đối tượng công chúng trẻ, thậm chí là rất trẻ, ngay khi các em đang còn là học sinh phổ thông, những bài học ban đầu về nhập môn của một khán giả. Và một khi các em đã tiếp cận được với bộ môn nghệ thuật mang tính cổ điển độc đáo này thì cách nhìn về nó cũng sẽ dần được thay đổi".
Lúc đầu, có thể các em đến với Tuồng như là một “nghĩa vụ”, nhưng sau đó, tình cảm của các khán giả nhí đối với nghệ sĩ và những buổi biểu diễn của nhà hát là rất khác. Đến bây giờ, thỉnh thoảng vẫn có những học sinh ghé thăm nhà hát, xem các nghệ sĩ tập vở. Chúng tôi cũng có những hỗ trợ cho các trường trong dịp các em biểu diễn văn nghệ”.
Nói về khả năng tiếp nối và nhân rộng mô hình, ông Phạm Tâm, Hiệu trưởng trường THCS Phan Đình Phùng (quận Thanh Khê) cho rằng, sau khóa học nên có sự duy trì chương trình công diễn để nhân rộng. Có thể dùng ngay lực lượng diễn viên hiện có để lưu diễn ở các trường. Điều này sẽ kích thích sự tò mò ở mỗi học sinh bởi các em có nhu cầu được xem những diễn viên cùng trang lứa với mình biễu diễn như thế nào.
Ông Trần Đình Sanh cho biết, sắp tới Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cũng có kế hoạch phối hợp với một số trường học trên địa bàn Đà Nẵng thực hiện chương trình Khám phá nghệ thuật Tuồng.
Dự án “Sân khấu học đường” đang là một kệnh giới thiệu - truyền thông rất tốt, là một bước tiếp cận đúng đắn và đầy nhân văn của sân khấu truyền thống đến với lớp khán giả trẻ. Tất nhiên, để nghệ thuật truyền thống thật sự có đất sống, đó không chỉ là cố gắng của ngành văn hóa-nghệ thuật và giáo dục, mà còn cần rất nhiều sự chung tay góp sức của toàn xã hội.
|
Hiền Lương