.

Nhắc ai nhớ hẹn tháng Ba

“Nhắc ai nhớ hẹn tháng Ba

Gặp nhau đêm hội pháo hoa Sông Hàn

Tháng Ba xuân thắm chưa tàn

Pháo hoa quốc tế Sông Hàn hẹn ai”

Nếu định nghĩa nhà thơ là nhà tiên tri, người dự báo thì tôi thực sự vui về Đà Nẵng, thành phố bên dòng sông Hàn đã không phụ lòng tin yêu của người làm thơ chưa gặp đã tin yêu rồi.

Đầu thập niên 70 thế kỷ trước, thời giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, trong một lần về thăm Hải Phòng, tôi có viết bài thơ “Thành phố Hoa Phượng Đỏ”. Trong bài thơ tôi có nhắc đến Đà Nẵng với một tâm thức đầy ngưỡng mộ bởi những chiến công vang dội cả hai miền của Đà Nẵng trong những năm tháng lịch sử. Khi sáng tác bài thơ, tôi chưa một lần ghé thăm thành phố Sông Hàn mà chỉ mường tượng khí thế và tầm vóc sau thành phố Sài Gòn.
 
Bài thơ của tôi sau đó đã được nhạc sĩ Lương Vĩnh phổ nhạc, ca sĩ Kiều Hưng thể hiện trên làn sóng Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam đã gây ấn tượng sâu đậm với người nghe cả nước. Mãi sau ngày 30-4-1975 tôi mới được đặt chân đến thành phố mình khâm phục, mến yêu.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh, khi ấy còn là Chủ tịch thành phố, nhân kỷ niệm 5 năm Đà Nẵng trực thuộc Trung ương đã mời tôi về thăm. Từng ngày, trong bộn bề xây dựng và bứt phá, Đà Nẵng thay đổi đến chóng mặt, được cả nước theo dõi và khích lệ. Tôi được Chủ tịch Nguyễn Bá Thanh coi như công dân của thành phố Đà Nẵng, như đối với thành phố Hải Phòng. Và hằng năm đã được thành phố tạo điều kiện từ TP. Hồ Chí Minh ra tìm hiểu thực tế, cập nhật những đổi thay kỳ diệu của “thủ phủ” miền Trung.

Nhân Đà Nẵng tổ chức lần thứ 2 Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế, tôi xin phát biểu đôi dòng cảm tưởng với quê hương thứ hai của mình.

TP. Hồ Chí Minh, 25-3-2009

Nhà thơ HẢI NHƯ

;
.
.
.
.
.