Lão giả an chi. Người xưa nói như rứa, đúng mà cũng... chưa đúng hẳn. Bởi cái trạng thái tâm hồn gọi là “an” đó, lắm khi cũng bị khuấy động bởi các luồng... sóng nhạc. Ấy, không xa đâu khi sờ sờ ra đó chuyện về người đầu bếp già của Pauxtôpxky, lúc gần chết vẫn còn nhờ âm nhạc của thiên tài Mozart để làm một cú... résurrection về kỷ niệm thời trai trẻ của ông lão, trong buổi đầu tiên gặp gỡ người vợ đã từ lâu khuất núi.
Ậy, nhưng mà cà kê chuyện vừa dẫn cũng chỉ là một cách nói ngược đời, nói cà rỡn mà chơi thôi. Bởi, một trong những cái quý của âm nhạc là làm “an” cho con người ta, không chỉ trong lúc còn... bưng chén, và cơm mà cho tới khi nhắm mắt xuôi tay, được tiễn đưa trong cái hộp gỗ bốn tấm dài hai tấm ngắn, âm nhạc vẫn không thể thiếu với đủ điệu kèn, sáo, sanh, nhị, xập xõa. Nhạc còn “ác ôn” ở chỗ trấn an lục phủ ngũ tạng, chữa lành nội thương. Như anh chàng lãng tử Lệnh Hồ Xung lúc bị các luồng chân khí “quậy” quá cỡ thợ mộc trong người, mà nghe khúc đàn cầm Thanh tâm phổ thiện chú của người đẹp Doanh Doanh “ru” là... dịu thần kinh ngay tắp lự.
Nhưng nghe nhạc cũng không phải là chuyện dễ, vì ngoài “lỗ tai nhạc”, còn phải có... đức nữa. Như chuyện ông vua Tấn Bình Công đòi nghe nhạc của Sư Khoáng. Tấu khúc Thanh Chủy, chim hạc bay về múa hát. Vua khoái quá, đòi nghe luôn khúc tuyệt nhất (khúc thứ ba) là khúc Thanh Dốc. Sư Khoáng không chịu vì chê vua thiếu đức. Nhưng vua “lẫy”, vì lẽ đâu đường đường một “đống”... u mê vương mà chẳng nghe đặng nhạc của một nhạc sư quèn. Dè đâu, khúc Thanh Dốc vừa trỗi lên, thì mây tuôn sấm nổ, vua thất kinh té nhào rồi... băng luôn. Thế mới biết, âm nhạc “ghê” biết chừng nào!
Nhưng nhạc mà hữu thanh thì còn kém, bởi có ông thi sĩ già đời Đường là Lưu Vũ Tích lại đòi những loài vô thanh phải lên tiếng khi ổng uống rượu ngắm hoa xuân rồi “bắt” hoa phải nói cho ổng nghe. Không biết hoa có “nói” không, mà chỉ nghe ổng ca cẩm:
Kim nhật hoa tiền ẩm
Cam tâm túy sổ bôi
Đản sầu hoa hữu ngữ
Bất vị lão nhân khai
Người viết bài xin tạm dịch... “ẩu”:
Hôm nay uống rượu trước hoa
Lai rai vài chén để mà... chơi thôi.
Nhưng... run: hoa biết, ghẹo, cười
Xòe ra, có phải vì già này đâu!
Nhưng nói làm chi “chuyện đời xưa”, khiến cho có người không tin mà bảo... “cẩm ca tự cổ vô bằng cứ”. Những năm trước đây, khi ca sĩ Madona... chạy sô qua nhiều quốc gia, có ông nguyên thủ nào đó đã phát rét, vì sợ giọng ca cùng thân hình, điệu bộ bốc lửa của ngôi sao ca nhạc này làm... hỏng thần kinh và thị giác của mấy ông sồn sồn trong chính phủ của ổng.
Vậy thì, rút cục, tuổi “tra tra” có nên chơi với âm nhạc không nhỉ?
Hỏi như rứa, răng mà khó trả lời chi lạ!
Chẳng lẽ lại đem cái thuyết Trung Dung xưa rích ra mà rằng thì là... tùy thời chi nghĩa đại hỹ tai (cái nghĩa tùy thời lớn vậy thay). E rằng có người sẽ chọc quê là... ba phải chi đạo.
Thôi thì, nhạc hiện nên hình sắc là hữu thanh, nhưng cái gốc của nó là vô thanh. Nên chi, sợ gì khúc đoạn trường, tuồng ảo hóa, bởi chẳng cần đợi đến lục thập, thất thập, các ông cụ nhà ta mới 50 tuổi đã “tri thiên mệnh” rồi, thì còn lo lắng làm chi về ba cái chuyện thanh trong thanh đục nữa, hỉ?
Nguyễn Đông Nhật