.

Văn hóa Cơtu cần được lưu giữ

.

Người Cơtu là một tộc người trong 54 dân tộc anh em của nước ta. Theo số liệu điều tra dân tộc học, tính đến nay có khoảng gần 60 ngàn người, sinh sống chủ yếu ở các huyện Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang (Quảng Nam), Alưới, Nam Đông ( Thừa Thiên-Huế). Tại thôn Giàn Bí, Tà Lang, xã Hòa Bắc và thôn Phú Túc, xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) cũng có một bộ phận người Cơtu sinh sống bao đời nay. Người Cơtu có một nền  văn hóa đặc sắc về vật thể và phi vật thể mà chúng ta cần nâng niu, giữ gìn.

Những giá trị văn hóa mai một dần

Người Cơtu thôn Phú Túc, Hòa Phú (Hòa Vang) dọn dẹp vệ sinh và cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả. Ảnh: K.B

Một số giá trị văn hóa bản sắc của người Cơtu như: nhà Gươl, nơi sinh hoạt cộng đồng dân cư thôn, bản; lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới, các điệu múa tung tung da dá, nói lý, hát lý, đan lát, dệt thổ cẩm… và các loại văn hóa ẩm thực quý báu mang đầy tính nhân văn. Nhưng tất cả đó, giờ đây ở Tà Lang, Giàn Bí hay Phú Túc gần như không còn nữa, chỉ đọng lại trong ký ức sâu thẳm của các  già làng. Già làng Alăng Cần, 81 tuổi, ở thôn Phú Túc ngậm ngùi bày tỏ:

Mình nhớ lắm những phong tục của dân tộc mình; bây giờ đài, tivi nhiều, vui thì có vui, nhưng không bằng các lễ hội của người Cơtu mình đâu. Ngày xưa, cứ sau vụ mùa thu hoạch lúa ba trăng là dân làng mình giết trâu, đồ xôi, gói bánh sừng trâu, làm rượu cần… để cúng thần linh, cúng trời đất cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Bây giờ, những thứ ấy đâu còn nữa. Ngày xưa, cái ăn chính của người Cơtu là những sản phẩm làm ra từ nương rẫy như lúa rẫy, hái lượm các loại rau, trái từ rừng; ốc, cá bắt từ sông suối chế biến thành món ăn hằng ngày. Nhiều món ăn rất hợp khẩu vị của nhiều người như Zrúa A chông, Cha rá…

Khôi phục và bảo tồn nhà Gươl

Nếu như người Kinh tự hào với đình làng của mình đã trải qua bao thăng trầm và thọ hơn vài trăm tuổi thì người Cơtu ở Tà Lang, Giàn Bí và Phú Túc cũng tự hào với nhà Gươl của mình, là nơi sinh hoạt cộng đồng của cư dân làng và nơi tổ chức lễ cúng thần linh. Ngư dân vùng biển trân trọng và quý mến Lễ hội cầu ngư để cầu mong “sóng lặng, thuyền yên”, mùa khai thác hải sản bội thu; thì người Cơtu lại không quên lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới… đem các sản phẩm của mình tự làm ra để cúng trời, cúng đất, cúng thần linh cầu mong “mưa thuận, gió hòa” được mùa, bình yên, dân làng no ấm… May thay, nhà Gươl nay đã được khôi phục ở các tộc người Cơtu.

Nhà Gươl ở Tà Lang, Giàn Bí và Phú Túc được xây dựng lại từ những năm 90 của thế kỷ 20, nhưng cơn bão số 6 năm 2006 đã làm sập đổ hoàn toàn. Năm 2007, lãnh đạo huyện Hòa Vang tìm đến các già làng tại thôn Bhơ hoòng, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang (Quảng Nam) để tham quan và tìm hiểu xây dựng nhà Gươl đúng theo nguyên bản và giá trị bản sắc văn hóa của nó. Bây giờ cư dân làng Tà Lang, Giàn Bí và Phú Túc tự hào với thôn của mình đã có nhà Gươl làm nơi sinh hoạt cộng đồng của người Cơtu nơi đây…

Sau khi có được nhà Gươl, người Cơtu từng bước khôi phục, bảo tồn và giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của tộc người mình. Ông Bùi Văn Cầm, 64 tuổi, ở thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc (Hòa Vang) hồ hởi kể rằng: Gần đây vào các dịp lễ, Tết tại nhà Gươl của làng, một số hoạt động văn hóa Cơtu như múa tung tung, da dá, đánh cồng chiêng… đã được khôi phục và giúp cho con cháu người Cơtu biết và lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần ngàn đời của cha ông để lại.

Những phong tục tập quán của người Cơtu có giá trị như: lễ đâm trâu, mừng lúa mới, nói lý, hát lý, ẩm thực… cần bảo tồn, phát huy và lưu giữ; nhưng một số tập tục lạc hậu như lễ tang gây tốn kém tiền, của không cần thiết; gả con nhỏ đòi của, tảo hôn, xô phạt, trả đầu… hoặc những hành vi vi phạm pháp luật cần lên án và đấu tranh, xóa bỏ…

Phong tục, tập quán và những giá trị văn hóa tinh thần của người Cơtu rất phong phú, đa dạng. Thiết nghĩ các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần có những chủ trương, định hướng, khôi phục, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của người Cơtu để góp phần nâng cao đời sống tinh thần của tộc người Cơtu ở Tà Lang, Giàn Bí, Phú Túc.

Thanh Yên

;
.
.
.
.
.