.

“Vụ án” Phan Khôi – Tản Đà

.

Phan Khôi và Tản Đà khác nhau ở tính cách, một người Quảng thẳng băng trực tính và một người xứ Bắc luôn khôn ngoan đúng lễ với đời. Hai người gặp nhau lần đầu vào năm 1918 tại một gác xép ở phố Hàng Bông, ngụ sở của cụ nghè Nguyễn Bá Trác - tác giả bài thơ “Hồ trường” nổi tiếng, người cùng quê với Phan Khôi.

Phan Khôi (1887-1959) và Tản Đà (1889-1939).  (Ảnh tư liệu)

Lúc ấy, Tản Đà trong mắt Phan Khôi là “tay đại tài” còn hơn cả Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, vì theo Phan Khôi, hai bậc thức giả này “chỉ viết theo sách, theo tư tưởng của Tây”, chứ Tản Đà thì lại viết ra “tư tưởng của mình”, chính đó “mới là tay sáng tạo”. Gặp nhau vài lần nữa, rồi thưa thớt cách nhau hai năm khi Phan Khôi đi Sài Gòn, sau gặp lại nhiều lần bên chén rượu khề khà có khi qua rạng sáng mai, hai người trở nên thân thiết, tâm đầu ý hợp.

Hai cụ sau này còn gần gũi nhau trong việc làm báo. Khi Tản Đà làm chủ bút tờ Hữu Thanh, Phan Khôi có đôi lần viết bài cộng tác.

Nhưng việc lớn nhất trong câu chuyện hai ông mà người ta gọi là “Vụ án Tản Đà – Phan Khôi” là cuộc tranh biện nảy lửa giữa hai ông. Câu chuyện bắt đầu vào năm 1931, nhân đọc cuốn “Cay đắng mùi đời” của Hồ Biểu Chánh, Phan Khôi đã viết một bài đại luận công kích cái cười khả ố, bần tiện, tàn nhẫn của người Việt Nam. Bài báo có nhan đề “Cái cười của con Rồng cháu Tiên” đăng trên Phụ nữ Tân văn số 84 ra ngày 28 tháng 3 năm 1931. Đến tháng 8 cùng năm, Phan Khôi tiếp tục lại phê phán phong tục thủ tiết của người Việt Nam mà cụ cho là man rợ (“Tống Nho với phụ nữ”).

Thế là trong An Nam tạp chí số 26 ra ngày 23 tháng 1 năm 1932, Tản Đà khai chiến bằng một báo viết với tiêu đề rất “báo chí”: “Một cái tai nạn lưu hành ở Nam Kỳ: Phan Khôi”. Đã định danh như vậy, trong bài viết, Tản Đà còn cho là “ông Khôi phun giải phóng, phun tự do”, “chiều theo tâm trí của phần nhiều phụ nữ” để bán báo. Và nhân danh “anh em sĩ phu… Hán học”, Tản Đà tuyên bố với công luận sẽ “tra xét tường xác”. Quả nhiên sau đó, liên tục trên 3 số báo An Nam tạp chí: 29 (ra ngày 20-2), 34 (ra ngày 26-4) và 37 (ra ngày 16-4), ông tự lập tòa án, dựa vào mấy chữ “con Rồng cháu Tiên” trong bài báo Phan Khôi để kết tội “xử trảm” cụ Phan vì đã nhục mạ tổ tiên (“vu hãm tiền hiền”).

Bấy giờ, với tinh thần canh tân, tiến bộ, Phan Khôi đã lên án cái cổ hủ, giáo điều, lạc hậu của tư tưởng Khổng - Mạnh. Phan Khôi viết rất đanh thép: “Cái luật cấm cải giá là rất bất công, vô đạo, cướp mất quyền lợi đàn bà mà không bổ ích gì cho phong hóa, nên phế trừ đi là phải”. Nhưng với Tản Đà thì khác.

Dù ông được xem là nhà thơ đầu tiên đã dám thành thật để những rung động của tiếng lòng thầm thĩ trong con người bày biện ra trong thơ, nhưng ở đây, Tản Đà cho Phan Khôi nói vậy là “loạn ngôn hoặc chúng”, làm bại hoại phong hóa. Và đã long trọng tuyên bản án Phan Khôi là kẻ có 3 tội danh, phải chịu hình phạt 300 roi và đưa đi xử ở 3 nơi… rất cụ thể! Cơ sở để Tản Đà luận tội cũng rất thi sĩ là “chiếu theo hình luật Á Đông từ đời vua Thuấn”(?). Có lẽ vì vậy mà sau đó bản án không thấy ai thi hành!?

Ngược lại, cụ Phan Khôi rất bình tĩnh, vì cụ hiểu “Tản Đà là người thông minh, có thiên tài, nhưng không chịu học” (…), “thấy đời không được rõ”, nên cụ “nhịn thua” và “chẳng hề cãi lại nửa lời”.

Nhưng Phan Khôi vẫn tiếp tục truyền thống duy tân, ngay vào ngày 10 tháng 3 năm ấy, cụ trình làng bài thơ “Tình già” trên Phụ nữ Tân văn số 122. Bài thơ như một quả bom phá bỏ con đập thơ cũ để cho dòng thác Thơ Mới sau đó ào ạt tuôn chảy về tương lai. Và từ đấy, số phận của thi sĩ Tản Đà, một trong những đại diện xướng danh của phái thơ cũ cũng bắt đầu lênh đênh theo con nước rã rời cho đến năm 1939.

Điều đáng nói là dù giữa Phan Khôi và Tản Đà có những gay cấn ngặt nghèo như vậy nhưng Phan Khôi vẫn luôn thấy cụ và Tản Đà là “một đôi bạn đồng tâm”, là những con người phong nhã, hào hoa, đặc biệt là chung ý chí “đại trượng phu”.

Năm nay là năm tròn 80 năm Tản Đà khuất núi, và cũng là 60 năm Phan Khôi xa rời trần thế, nhắc chuyện tâm giao của hai con người nổi bật của văn giới đầu thế kỷ XX để thấy sự hành xử rất “văn” của hai người: họ gần gũi, kính trọng lẫn nhau như bậc “đại trượng phu”, nhưng vì văn đạo họ cũng sẵn sàng quyết liệt tranh biện đến mức đưa nhau ra “xử trảm”… Đời và Đạo thật phân minh rõ ràng! Bởi vậy mới thấy câu nói của G.L. Buffon rất đúng: “Le style est l’homme même” (Văn cách, ấy là nhân cách). Nhưng đấy là của cổ nhân?

LÊ QUANG ĐỨC

;
.
.
.
.
.