.

Xem triển lãm tranh mùa lễ hội

.

Trong số các hoạt động Nghệ thuật Tạo hình-Mỹ thuật góp mặt với các hoạt động trong mùa lễ hội của thành phố Đà Nẵng mang chủ đề “Âm vang sông Hàn” khởi đầu từ ngày 23-3-2009. Song song với Triển lãm Nghệ thuật sắp đặt đá Non Nước tại đường Bạch Đằng, Triển lãm Gốm cổ Chăm-pa tại Bảo tàng điêu khắc Chăm, Hội thảo về Mỹ thuật Việt Nam mang tính toàn quốc do Hội Mỹ Thuật Việt Nam tổ chức tại bãi biển Mỹ Khê... Triển lãm Tác phẩm hội họa chọn lọc của những họa sĩ lớn tuổi sẽ được trưng bày tại tiền sảnh Nhà hát Trưng Vương, một địa điểm thu hút và ấn tượng tọa lạc ngay trung tâm thành phố.

 "Hạnh phúc". Tranh gò đồng Mai Ngọc Chính

Thật đáng cảm kích khi đứng trước những tác phẩm hội họa của Đà Nẵng ở cuộc Triển lãm Mỹ thuật lần này của các tác giả lớn tuổi: Trẻ nhất 50 và có người vừa tròn 70. Đây là lần triển lãm thứ ba tính từ ngày câu lạc bộ được thành lập. Vỏn vẹn chỉ hơn một năm, “tuổi đời khá trẻ” so với cái tên “Câu lạc bộ-họa sĩ cao tuổi”, tổ chức đến ba cuộc triển lãm trong một thời gian ngắn ngủi ấy là việc không phải dễ thực hiện.

Ngoài ra, nơi chốn để trưng bày tranh họ còn phải tự xoay xở tìm kiếm vì các khu vực trưng bày Văn hóa-Nghệ thuật ở quy hoạch chỉnh trang chung của thành phố đang trong thời gian xây dựng. Lần nầy cũng thế, tuy vị trí rộng thoáng, sang trọng và hiện đại vào bậc nhất thành phố, nhưng tiền sảnh Nhà hát Trưng Vương không phải thiết kế để dành cho những cuộc triển lãm mỹ thuật tương tự, nên không gian phòng triển lãm tranh đầy ắp sự “linh động”, tự giải quyết mặt bằng sao cho phù hợp để có thể trưng bày tranh. Điều này nói thêm được sự nỗ lực cùng tấm lòng cao quý của các họa sĩ lớn tuổi với nỗi niềm say mê vẽ và mong mỏi giới thiệu tác phẩm của mình đến với công chúng.

Hiện diện đầy đủ các tác phẩm của những họa sĩ đã hoạt động mỹ thuật từ sau ngày giải phóng. Cao tuổi nhất là Vĩnh Thuận, một họa sĩ gắn bó với đề tài lịch sử. Anh thường dựng lại trong tranh của mình những trận đánh trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ của quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng, chân dung những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, những chiến sĩ đặc công.

 "Cầu Thuận Phước". Tranh sơn dầu của Nguyễn Thị Phi

Cũng như họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh, mảng ký họa về Trường Sơn, công phu với những hình ảnh hào hùng của các chiến sĩ dũng cảm bên chiến hào hay trên đường hành quân trong rừng sâu, núi dựng. Tranh sơn dầu của Nguyễn Thị Phi mạnh mẽ với các đề tài phong cảnh: Cầu Thuận Phước, Non Nước.

Ở tuổi sau 60, tranh của Nguyễn Thị Phi sôi động và đầy quyết liệt. Trái lại với tranh của Tôn Nữ Tâm Hảo, tác giả nữ thứ hai của phòng tranh với những mảng màu sơn dầu trau chuốt, bóng bẩy đôi khi ta như thể gặp không gian mơ màng, lấp lánh sắc màu cổ tích khi xem Tâm Hảo vẽ cầu Thuận Phước xa mù trên nền trời sắc màu lộng lẫy.
 
Họa sĩ Duy Hối lần này trình làng bức “Ngũ Hành Sơn” với cách thể hiện mới, trừu tượng với gam màu nâu sẫm mang đầy điển tích về huyền thoại cổ Non Nước. Võ Thanh Tịnh vững vàng với sắc đậm nhạt xanh lục. Những tàu lá chuối trên tranh anh được chắt lọc từ vị trí cũng như màu sắc rất tinh tế. Họa sĩ Hà Dư Sinh dội lại ấn tượng cuộc di tản lớn trước ngày giải phóng Đà Nẵng của quân đội chế độ cũ…

 "Sau vườn". Tranh sơn dầu Võ Thanh Tịnh

Nhà điêu khắc Mai Ngọc Chính với sở trường phù điêu về đề tài Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Bố cục tượng đồng phù điêu của anh đẹp. Màu đồng hun sậm, cũ nên những nhân vật trên phù điêu của anh tái tạo được không khí của chiến trường năm xưa. Lê Huy Hạnh vẽ tranh, làm tượng. Hai tác phẩm tượng theo bố cục không gian của tượng đài của anh tạo nên được sự riêng biệt, đậm cá tính, một điều kiện vốn thường đòi hỏi người sáng tác phải tìm được cho chính mình trên con đường sáng tạo.

Mức độ làm việc không mỏi mệt của những họa sĩ nơi đây gây hưng phấn đến người xem. Ở tuổi năm mươi trở đi, chưa hẳn đã quá “cao tuổi” như tên gọi của phòng tranh. Cái tuổi đó mới là tuổi “chín tới” cho những ai đang miệt mài với sáng tạo nghệ thuật.

HOÀNG ĐẶNG

;
.
.
.
.
.