.
ĐỂ TUỒNG TRỞ THÀNH SẢN PHẨM DU LỊCH

Cần một sợi dây gắn kết

.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thời gian qua là đưa sản phẩm tuồng phục vụ du lịch và bước đầu đã thu hút được các du khách nước ngoài đến với nhà hát. NSND TRẦN ĐÌNH SANH, Giám đốc Nhà hát chia sẻ:

 

Trong hơn một năm qua, nghệ thuật tuồng bước đầu đã được định hình dần tại các chương trình biểu diễn phục vụ du lịch, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với du khách. Qua những buổi biểu diễn, cho thấy du khách rất quan tâm đến bộ môn nghệ thuật tuồng truyền thống Việt Nam.

* P.V: Trong thời gian qua, cũng có những tiết mục múa Chăm đã được đưa vào biểu diễn phục vụ khách du lịch và được đánh giá rất cao về chuyên môn. Ông có thể cho biết ý tưởng ban đầu khi đưa loại hình này vào phục vụ du khách.

- NSND Trần Đình Sanh:
Có thể nói rằng, chương trình này là sự ấp ủ của những anh em nghệ sĩ nhà hát. Bởi vì Đà Nẵng là nơi duy nhất có Bảo tàng Chămpa, lưu giữ một nền văn hóa quý báu. Những tiết mục múa Chăm được đưa vào phục vụ du khách cũng bắt nguồn từ một tác phẩm múa “Khúc biến tấu từ pho tượng cổ”. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang cần những sản phẩm văn hóa để phục vụ du lịch.

* P.V: Trong quá trình đưa nghệ thuật tuồng trở thành sản phẩm du lịch, nhà hát có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?

Múa Chăm - một sản phẩm du lịch độc đáo.

- NSND Trần Đình Sanh:
Nhà hát luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố và Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch. Hiện nay, nhà hát đang sở hữu một kho tàng nghệ thuật tuồng phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc cùng với đội ngũ diễn viên yêu nghề, được đào tạo chính quy và đã qua thử thách.

Tuy nhiên, để tuồng thực sự là một sản phẩm nghệ thuật phục vụ du lịch thì chúng ta còn gặp không ít khó khăn. Trước hết, đó là rào cản rất lớn về ngôn ngữ. Thứ hai là ngay trong quá trình đưa nghệ thuật tuồng trở thành sản phẩm du lịch đang nảy sinh hai vấn đề chưa tìm ra lời giải, đó là giới thiệu tuồng nhằm mục đích quảng bá một bộ môn nghệ thuật truyền thống của Việt Nam đến với du khách, hay là chú trọng khai thác nghệ thuật tuồng phù hợp với thị hiếu của du khách để khai thác du lịch? Nếu là vấn đề thứ hai thì nhà hát rất dễ khai thác và khai thác lúc nào cũng được, nhưng nếu không phải là vấn đề thứ nhất thì khó có thể giới thiệu hết được cái hay, cái đẹp, cái độc đáo mà chỉ có ở nghệ thuật tuồng truyền thống Việt Nam.

Bên cạnh đó, nếu khai thác nghệ thuật tuồng là để tạo thêm một sản phẩm du lịch, chúng ta rất cần một tiếng nói đồng thuận, một sợi dây gắn kết của ngành văn hóa-thể thao và du lịch cùng các hãng lữ hành.

* P.V: Xin cảm ơn NSND Trần Đình Sanh.

NGỌC HÂN (Thực hiện)

;
.
.
.
.
.