.
Đối thoại một mình

Những kẻ hám danh

Không biết có nên đổ tội cho chủ nghĩa thực dụng ăn sâu bén rễ vào cuộc sống để những học hàm, học vị, danh hiệu… tràn lan đến hoa mắt. Nhìn vào danh xưng GS, TS của mấy vị, ngỡ như nước mình đâu đâu cũng gặp các bậc trí giả lớn. Thế thì nước mình đã đến thời vượng lắm rồi. Cũng không ít mấy vị doanh nhân mới ra ràng mươi năm lại đây, tuổi đời cũng chỉ xêm xêm tứ tuần, vậy mà đã có mặt trong những cuốn sách dày cộp. Mà đó là những cuốn sách của các nhà xuất bản Tây đàng hoàng.

Trích ngang tiểu sử, chân dung, những thành tựu khoa học, kinh doanh, những sáng chế… thật rạng danh. Nếu đó là sách nội địa thì còn nghi nghi ngờ ngờ chạy danh, khuất tất. Nhưng đây là sách ngoại hẳn hoi. Người ngoại, Tây hẳn hoi đã thẩm định thì ngay chóc rồi. Sau sự hiện diện trong các ấn phẩm sáng giá là đến phần tung hô.

Có một anh bạn họa sĩ, tuổi cỡ lục tuần. Nghề vẽ thì được xếp vào loại “lớp trẻ”, nghĩa là nhiều vị bậc “mét” trong làng họa khi nhắc đến tên anh cứ ngỡ ngàng hỏi nhau, “anh ta là họa sĩ, thế à”. Hiển nhiên là họa sĩ rồi. Không thế mà cái card tùy thân của anh đầy ắp chức danh: Tiến sĩ Mỹ học, Họa sĩ, Nhà phê bình Mỹ thuật, UV Hội đồng nghệ thuật, Nhà nhiếp ảnh tước Hiệp sĩ, Nhà thơ, Giảng viên đại học, v.v... Có một lần ngồi cạnh con người tài danh ấy, tôi nghe anh ta bâng quơ nói: “Đa tài nước mình đâu chỉ có Văn Cao, Nguyễn Đình Thi...”. Câu nói lấp lửng chỉ vậy thôi nhưng cũng phải mấy ngày sau tôi mới hiểu dần thâm ý của con người trẻ tuổi nhưng vô cùng khả kính.

Lại có nhà doanh nghiệp trẻ đột ngột vỗ ngực: Mình được liệt vào trong số 100 doanh nhân thành đạt nhất Á châu. Quả thế thật. Anh có bằng chứng nhận, có phù hiệu mạ nhũ óng ánh hẳn hoi. Nghe đâu sắp tới Hiệp hội doanh nhân châu Á sẽ tuyển chọn những bậc sáng giá, đầy triển vọng để đưa vào danh sách hoàn vũ. Anh ta liên tiếp nhận được những lời mời “không thể từ chối được” của nhà xuất bản nọ, hối thúc anh gửi gấp lý lịch trích ngang, tên khai sinh, thương hiệu, liệt kê những sản phẩm hàng đầu có dấu ấn trí tuệ, ý tưởng đặc sắc. Thế mới hay, thời đại mở cửa, giao lưu nó giá trị biết dường nào. Trong nước người ta chỉ coi mình như con tép. Vậy mà ngoài nước tên tuổi mình thì ngời ngời.

Anh ta nào có khoa trương. Mọi bằng chứng anh treo cả hết lên tường, bày cả hết lên bàn. Dẫu sao thì cũng mừng cho anh bạn. Thế là nước mình cũng lắm anh tài sánh vai cùng bốn biển năm châu.

Tình cờ gần đây tôi mới được nghe một đường dây in ấn xuất bản xuyên quốc gia. Họ đánh trúng vào tâm lý hám danh mà kinh doanh. Những lời mời bay về nhà anh, chui vào hộp thư điện tử và đòn cuối cùng sẽ là: Triển vọng danh tánh quý ông sẽ lọt vào chung khảo, sẽ vinh danh trong top đầu những nhân vật nổi tiếng. Thay vì 300 USD, ông được hưởng ưu đãi, chỉ cần 200 USD đã có trong tay một cuốn sách giá trị, hội tụ những tài danh trên nhiều lĩnh vực của thời đại, trong đó có tên tuổi cùng chân dung, tiểu sử và những thành tựu xuất sắc mà ông đã cống hiến cho sự tiến bộ và văn minh nhân loại...
 
Nếu chậm chuyển tiền, chúng tôi e khó đáp ứng nhu cầu của quý ông... Một cuốn thì nhằm nhò gì. Phải mươi, mười lăm, hai mươi cuốn mới đã. Cuốn mạ vàng, gáy đỏ xin được để chính giữa nhà. Cuốn này thân mến tặng bạn bè gần xa... rồi còn nhà truyền thống địa phương, cô bác quê nhà. Một dịp quảng bá tên tuổi, sao có thể bỏ qua. Cuối cùng là phải có gì để lại cho hậu thế chứ.

Lạy chúa. Mất 200 USD cho một cuốn sách như vậy cũng đáng đồng tiền lắm lắm. Thực giả thời thị trường nhộn nhạo, dễ mấy ai tỏ tường. Xưa nay thiên hạ vẫn “mua danh ba vạn” đó thôi.

Như Nguyễn

;
.
.
.
.
.