Nhà thơ Bùi Công Minh thường được nhiều người biết qua bài thơ Hành khúc ngày và đêm (Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc), bởi dấu ấn lãng mạn và hùng tráng của nó qua một giai đoạn lịch sử khốc liệt.
Đại tá Bùi Văn Hàm - nguyên mẫu nhân vật trong bài thơ “ Người ra trận”. |
Bài thơ được trình bày trong đêm giao lưu giữa Hội Nhà văn Đà Nẵng và Học viện Quân sự Đà Lạt. Hầu hết những bài thơ giới thiệu lần này đều do người sáng tác tự trình bày, thế nhưng, với bài thơ “Người ra trận”, người đọc lại là nguyên mẫu nhân vật trong tác phẩm: Đại tá Bùi Văn Hàm - Phó Chủ nhiệm Chính trị Học viện Quân sự Đà Lạt, đã gây nên một sự xúc động đặc biệt với tất cả những người tham dự.
Theo lời kể của Đại tá Hàm, trước lúc lên đường đi bộ đội, anh đã được người thầy giáo, nhà thơ Bùi Công Minh, nguyên cán bộ giảng dạy Đại học Sư phạm I Hà Nội viết tặng bài thơ này. Sau nhiều tháng ngày chiến tranh đầy lửa đạn, cho đến hiện nay, lúc nào anh cũng vẫn giữ lại nó như là món quà quý giá, đầy kỷ niệm của thời trai trẻ.
Về phía nhà thơ Bùi Công Minh, ông cho biết: Ông sáng tác bài thơ “Người ra trận”vào thời điểm 1971, lúc quân dân ta đang chuẩn bị cho chiến dịch mùa hè 1972; sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội rất nhiều người lên đường nhập ngũ. Hôm ấy, đang tiết kiểm tra, thấy lớp học vắng đến 4-5 gương mặt nam sinh, ông xúc động viết nên bài thơ trên. Đại tá Bùi Văn Hàm - ngày nay - là một trong những gương mặt hồn hậu đáng yêu hiện lên khi ông chắp bút. Chính vì vậy, ông dùng từ “nó” một cách thân thương...
Ngoài bài thơ “Hành khúc ngày và đêm”, bài thơ “Người ra trận” cũng là một trong những sáng tác của Bùi Công Minh được bạn đọc cả nước yêu thích.
|
TRẦN TRUNG SÁNG