.

Hề xiếc: Xa rồi… thời hoàng kim

.

Khi giải trí trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu thì cơ hội cho hài kịch, hề xiếc phát triển ngày càng lớn. Trong vài năm gần đây, xiếc hài càng lúc càng mất đi tính sáng tạo và hấp dẫn, đã làm không ít người nghi ngại về sự sống còn của loại hình nghệ thuật này.

Một trong những nguyên nhân khiến hề xiếc mất đi vai trò của mình là do các tiết mục hề hôm nay không có tính sáng tạo và thiếu sự hấp dẫn.

Cách đây 10 năm chính là thời hoàng kim của anh hề xiếc. Cứ có một chương trình xiếc, dù xa xôi, đêm tối thế nào, mọi người cũng quyết tâm mua vé cho bằng được. Sau những tiết mục xiếc hồi hộp như đi trên dây, đu quăng… những anh hề xiếc xuất hiện trong những bộ trang phục lòe loẹt, cái mũi đỏ cà chua và khuôn mặt sáng nụ cười làm rộn ràng sân khấu xiếc. Bởi thế mà cả một thế hệ đã không quản ngại vất vả, dành hết thời gian để nghiên cứu, xây dựng nhiều tiết mục hài với những kịch bản hay nhất. Tôn Thất Lợi, Trường Thành, Duy Ánh, Tiến Hưng… những diễn viên một thời như ông hoàng của sân khấu hề xiếc. Không chỉ ở Việt Nam, tiếng vang của những chú hề bay đến tận nước ngoài, lời mời đi biểu diễn xếp đầy lịch diễn.

Nhưng, thời gian gần đây, sân khấu xiếc buồn hiu. Có thể nói, nhạy cảm nhất là những em nhỏ. Tiết mục hề xiếc rộn ràng trong tiếng nhạc, các chú hề lăn lê bò toài làm trò nhưng sân khấu vẫn lặng im, không một tiếng cười. Chú hề xấu hổ quá, trốn vào sân khấu… Sân khấu xiếc nào cũng thấy những tiết mục nhàm chán như: “Dội nước lên đầu nhau”, “Trẻ em tè lên mặt bố”, “Đàn ông mặc váy độn ngực giả gái”, “Ảo thuật đập đồng hồ”, v.v... Để không khí không rơi vào im lặng, các diễn viên hề đành phải vỗ tay… mồi. Tránh những ái ngại, đâu đó trên hàng ghế khán giả lộp bộp vài tiếng vỗ tay an ủi.

Nguyên nhân đầu tiên chính là việc coi nhẹ hề xiếc từ chính những người có trách nhiệm. Theo nhà nghiên cứu Lê Anh: Hầu hết các tiết mục hề xiếc thời gian gần đây đều chỉ diễn “cương” mà không hề có nội dung kịch bản. Hạn hữu lắm mới có một vài tiết mục được “gạch đầu dòng mấy chữ trên một trang giấy nhỏ giống như một tờ nháp trước khi triển khai”.

 

Một trong những nguyên nhân khiến hề xiếc mất đi vai trò của mình là do các tiết mục hề hôm nay không có tính sáng tạo, phần nhiều là sao chép lại những tiết mục đã được thế hệ trước biểu diễn, giữa các đơn vị trong ngành cũng sao chép lẫn nhau, trong khi, chất lượng lại không bằng. Kỹ năng kỹ xảo xiếc của tiết mục hề ngày càng ít, bài bản dàn dựng sơ sài, tính sáng tạo, tính lô-gic kém, thiếu vắng những kịch bản hay, kịch bản mới, có tính thời sự và tác dụng định hướng thẩm mỹ cho khán giả.

Những biến thiên trong việc đào tạo hề xiếc cũng là nguyên nhân lớn khiến cho hề xiếc bị mất vị trí như hiện nay. Theo NSND Nguyễn Thị Tâm Chính (Trường Trung học Xiếc Việt Nam): “Từ năm 1978 đến nay, chương trình đào tạo diễn viên hề không nằm trong kế hoạch đào tạo chính quy của Trường Trung học Xiếc Việt Nam. Bởi vậy hề xiếc đang đứng trước nguy cơ mờ nhạt về sắc thái và chất lượng nghệ thuật, đơn điệu về thể loại nội dung, thiếu hụt về đội ngũ diễn viên kế cận”.

Những năm trước, nhiều diễn viên hề xiếc được đưa sang nước ngoài đào tạo, Liên đoàn Xiếc Việt Nam còn mời các diễn viên tài năng của thế giới sang Việt Nam chỉ dạy. Hiện nay, việc đưa diễn viên đi đào tạo tại nước ngoài đã không còn được thực hiện. Phần lớn các tiết mục đều là photo lại các tiết mục cũ, hoặc thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau. Nghệ sĩ hề xiếc trẻ Thành Dương cho biết: “Chúng tôi vẫn rất yêu nghề, quyết sống chết với nghề. Nhưng chúng tôi rất cần có một hướng đi mới để hề xiếc phát triển. Bởi những lần sang nước ngoài biểu diễn, khán giả mọi lứa tuổi đều rất thích các tiết mục hề xiếc của Việt Nam”.

 

Theo NSND Nguyễn Thị Tâm Chính thì việc đầu tiên để giải quyết tình trạng này chính là mở một khóa đào tạo mới cho diễn viên hề xiếc, trong đó Trường Trung học Xiếc Việt Nam cần phải đi tiên phong đảm trách trách nhiệm này. Việc quan tâm đến đào tạo là cần thiết, nhưng đầu ra cho diễn viên tốt nghiệp cũng không thể bỏ quên. Diễn viên có sống nổi không khi theo bà Tâm Chính, tương lai của lứa diễn viên đầu tiên sẽ được “ký hợp đồng diễn cho các chương trình tạp kỹ”.
 
Với NSND Nguyễn Ngọc Trúc (Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Liên Chi hội Xiếc Việt Nam) thì vấn đề nội dung cũng là điều đáng bàn: “Kho tàng truyện cười dân gian Việt Nam là kho tàng lớn nhất, vừa mới mẻ vừa có chiều sâu ý nghĩa cho mọi lứa tuổi. Đừng bắt cá trên trời, những người có trách nhiệm phải vào cuộc để hề xiếc không bị nhạt nhẽo và không đáng buồn như hiện nay”.

Thanh Tân


;
.
.
.
.
.