.

Khó khăn trong đào tạo diễn viên múa

.

Nhìn bề nổi, có vẻ như nghệ thuật múa đang thăng hoa, phát đạt. Múa không chỉ xuất hiện với các tác phẩm độc lập hoặc đỉnh cao như thơ múa, kịch múa... mà còn là một thành tố không thể thiếu trong các vở diễn sân khấu, xiếc, rối, ca nhạc, thời trang... và nhất là trong các chương trình kỷ niệm, lễ hội, đại hội thể dục - thể thao vốn đang phát triển rầm rộ, ồ ạt ở nhiều địa phương.

Ngoài sự đam mê và nỗ lực hết mình của bản thân, nghệ thuật múa đòi hỏi rất nhiều về năng khiếu.

Thế nhưng, hiện nay lớp trẻ không mặn mà với nghề múa, bởi nghề này thường chỉ được một thời. Cũng chính vì thế, nhiều học sinh rất có năng khiếu về múa nhưng bị gia đình bắt buộc học ngành khác, còn múa chỉ là hoạt động tham gia phong trào cho vui. Nói đúng hơn, cái chính hiện nay vẫn là đầu ra, nhiều học sinh ra trường không có đất dụng võ và hệ quả là các trường có đào tạo chuyên ngành múa không tuyển sinh được.

Từ năm 2004 đến nay, Trường Trung cấp Văn hóa-nghệ thuật thành phố Đà Nẵng đã đào tạo được 5 khóa cho chuyên ngành múa với gần 40 học sinh ra trường. Nhưng do học sinh ra trường không tìm được việc làm nên hiện nay mỗi năm nhà trường tuyển được rất ít học sinh, chưa đến 10 em. Biên đạo múa Nguyễn Thị Hội An, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Một khóa chỉ có gần 10 học sinh, mỗi học sinh một tháng chỉ nộp 100 nghìn đồng; trong khi đó, chi phí cho công tác đào tạo ngành múa rất lớn, chẳng hạn như mỗi giờ lên lớp của học sinh chuyên ngành múa phải có 2 giáo viên (một đàn, một dạy múa), chưa kể đến đầu tư trang thiết bị dạy học tại  trường.

Khó khăn là vậy, nhưng hằng năm, Trường Trung cấp Văn hóa-nghệ thuật Đà Nẵng vẫn nỗ lực chiêu sinh và tiếp tục đào tạo chuyên ngành múa. Ông Vũ Đức Tiến, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Từ năm học 2009, nhà trường sẽ xin chủ trương tuyển sinh chuyên ngành múa từ bậc THCS. Bởi theo ông, năng khiếu múa thông thường được phát hiện và đào tạo thành công nhất là trong lứa tuổi này.
 
Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp chương trình múa tương đương với hệ trung cấp thì cũng là lúc các em nhận bằng tốt nghiệp THPT. Đây chính là nền tảng, là cơ sở vững chắc để các em tiếp tục phát huy năng khiếu của mình, cũng như có nhiều cơ hội bước vào các trường năng khiếu nghệ thuật bậc cao hơn.

Với những hướng đi mới, mang tính đột phá của Trường Trung cấp Văn hóa-nghệ thuật Đà Nẵng, hy vọng nhà trường sẽ giải quyết được những khó khăn về công tác tuyển sinh ngành múa hiện nay, từng bước đáp ứng nhu cầu thưởng thức môn nghệ thuật múa của xã hội.

Bài và ảnh: VĨNH KHANG

;
.
.
.
.
.