.

Làm quan qua 8 đời vua

.

Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, ít ai như Nguyễn Thuật - người từng làm quan trải tám đời vua, từ Tự Đức đến Duy Tân. Ông không những được các vua trọng vì tài, nể vì đức, giao những viÖc quốc gia đại sự mà còn được nhân dân Quảng Nam nói riêng, nhân dân cả nước nói chung trọng vọng vì tính thanh liêm, yêu thương và gần gũi dân, có khoa bảng mà không kiêu căng, xứng danh là bậc “dân chi phụ mẫu”.

Nguyễn Thuật được thờ tự tại Nhà thờ Tiền hiền làng Hà Lam. (Ảnh: A.T)

Nguyễn Thuật hiệu Hà Đình, tước Trường An tử, sinh năm 1842 tại làng Hà Lam, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình (nay thuộc thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Xuất thân trong một gia đình Nho học, năm 1867 ông đỗ Cử nhân, năm sau ông đỗ Phó bảng. Năm 1877, ông đỗ hàm Thị lang tại nội các, rồi thăng làm giáo đạo ở Dưỡng Thiện đường, dạy các hoàng tử.

Sau khi rời Dưỡng Thiện đường, ông làm Tổng đốc Thanh Hóa. Đến năm 1880, ông được cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc vận động ngoại giao về việc nước ta phải ký hòa ước Giáp Tuất (1874) với thực dân Pháp. Năm 1884, ông làm Chánh chủ khảo kỳ thi Hội năm Giáp Thân; năm 1887 ông được triều đình bổ làm Tả trực Tuyên úy (gồm các tỉnh từ Phú Yên đến Bình Thuận). Sau đó, ông được điều về Huế làm chủ khảo khoa thi Hội năm Đinh Sửu (1887).

Đến đời vua Đồng Khánh, ông giữ các chức vụ quan trọng như: Thượng thư bộ Lại, Hiệp Biện đại học sĩ gia hàm Thái tử Thiếu Bảo, rồi tái lãnh chức Tổng đốc Thanh Hóa. Đến đời Thành Thái (1888-1907), ông làm Thượng thư bộ Binh, sung Cơ Mật viện Đại thần. Đến đời vua Duy Tân (1907-1916) ông vẫn giữ nguyên chức cũ và sau đó về hưu.

Khi còn đương chức, có lần hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi mất mùa vì thiên tai, nhân dân đói khổ, vua xuống chiếu quở trách quan đầu tỉnh. Vốn thương dân và hiểu rõ sự tình, ông bèn dâng sớ trình bày rõ nguyên nhân và đề xuất những biện pháp khắc phục và được vua chấp thuận. Chính vì thế quan hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi không bị khiển trách, dân hai tỉnh được cứu đói. Ông còn dâng sớ lên vua kể tội quân lính của Nguyễn Thân cướp bóc, tàn sát dân lành ở hai tỉnh này khi phong trào Nghĩa hội Quảng Nam bị thất bại.

Lúc về hưu, ông không xao nhãng việc trao đổi, đôn đốc quan phủ Thăng Bình cùng các viên chức địa phương; khuyến khích và phát huy tinh thần hiếu học của con em nhân dân trong vùng. Ngoài ra, ông còn cho sửa sang đường làng, làm cầu, đào giếng, đào hồ thả sen, tạo hòn non bộ… khiến cho cảnh trí tĩnh lặng nơi đây trở nên phong quang, tươi đẹp. Ông mất năm 1911, thọ 70 tuổi.

Họa phẩm “Trùng du Bàn A Sơn” do Nguyễn Thuật vẽ lúc ông làm Tổng đốc Thanh Hóa.    (Ảnh tư liệu)

Không chỉ thành danh trên đường hoạn lộ, ông còn để lại một sự nghiệp văn chương đáng được trân trọng. Ông say mê văn chương đến độ dành cả thời gian sau giờ làm việc để đọc sách và viết. Ông đã để lại cho đời một số lượng tác phẩm thơ văn rất đồ sộ với trên 500 bài trong văn học Việt Nam cận đại, gồm đủ các thể loại văn, thơ, từ, phú, hát nói, câu đối… Ngoài ra, ông còn để lại nhiều tác phẩm thư pháp, bi ký cả trong và ngoài nước.

Thơ văn của ông không những được các vua khen ngợi, các đại thần, các bạn đồng liêu đánh giá cao mà còn được các đại thần nhà Thanh như Tổng đốc Quảng Đông là Tăng Quốc Phiên và các văn nhân nổi tiếng của Trung Quốc lúc bấy giờ phục văn tài và chữ viết tuyệt đẹp của ông. Ông là một trong những người Việt Nam hiếm hoi lúc bấy giờ được nước ngoài khen tặng.

Với những đóng góp của mình cho dân, cho nước khi còn làm quan và ngay cả khi đã về trí sĩ cùng với số lượng tác phẩm đồ sộ đóng góp cho văn học Việt Nam cận đại, Nguyễn Thuật xứng đáng là một đại danh thần của triều Nguyễn, một vị quan liêm khiết, thanh bạch; một nhà văn hóa lớn của Quảng Nam nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Vua Tự Đức nhận xét về ông: “Nguyễn Thuật là người tuổi trẻ tân tiến, hiếu học, thông minh, đỉnh ngộ, biết lẽ phải, không a dua theo kẻ khác”. Vua Thành Thái thì ca ngợi: “Nguyễn Thuật là người khí tượng cao khiết, học thức uyên bác... Từng đem ơn ích cao thượng cho kẻ khốn cùng... Thật ông là một người xứng đáng làm mẫu mực cho vạn thế”.

Làm quan đại thần qua tám đời vua, con người có lối sống thanh bạch vì dân, vì nước này hiện an nghỉ ở khối phố 4, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình; cách trung tâm huyện khoảng 5km về hướng Tây Nam và cách thành phố Tam Kỳ (tỉnh lỵ Quảng Nam) khoảng 30 km về hướng Tây Bắc...

AN TRƯỜNG

 

;
.
.
.
.
.