.
LỄ HỘI ĐỀN HÙNG 2009

Nội dung phong phú, rộng mở hơn

.

“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng 10 tháng 3”- Như đã thành thông lệ, vào ngày 10 tháng 3 (âm lịch) hằng năm, hàng triệu đồng bào lại hành hương về cội nguồn trong ngày Giỗ Tổ, thành kính tri ân công đức tổ tiên, kết tạo bản sắc văn hóa Việt Nam, hun đúc nên sức mạnh cộng đồng, trở thành động lực to lớn và niềm tự hào cho dân tộc ta vượt qua biết bao gian nan, thử thách. Năm 2009 này, Lễ hội Đền Hùng được tổ chức trang trọng, hoành tráng và có nhiều nét mới với cả phần lễ và phần hội.

Hàng vạn đồng bào hành hương về miền đất tổ.

Hoạt động văn hóa - thể thao của lễ hội diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 31-3 đến 4-4-2009 (tức từ ngày mồng 6 đến ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch). Cùng với nghi thức cúng tế và dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng còn có các hoạt động đa dạng và đặc sắc như trình diễn các hoạt động văn hóa dân gian và triển lãm, thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh dầy, giới thiệu sản phẩm làng nghề, văn hóa ẩm thực, trưng bày hoa thơm trái ngọt các tỉnh.

Các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức với quy mô rộng khắp từ thành phố Việt Trì đến Trung tâm Lễ hội Đền Hùng và các vùng phụ cận, gắn với chương trình Du lịch cội nguồn giữa 3 tỉnh Phú Thọ - Lào Cai - Yên Bái. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2009, tỉnh Phú Thọ mời một số địa phương tham dự gồm Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Vĩnh Phúc và thành phố Hồ Chí Minh.

Mở đầu cho Lễ hội năm nay là Giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc diễn ra tại Nhà thi đấu thể thao Phú Thọ từ ngày 26-3 đến hết ngày 5-4, Giải tranh cúp Hùng Vương lần thứ 3, tiếp theo đó là Giải quần vợt Hữu nghị, Giải bóng chuyền nam toàn tỉnh. Trong lễ hội còn diễn ra các hoạt động như vật dân tộc, giải cờ tướng, cờ người mở rộng, bơi chải Bạch Hạc, cùng với các hoạt động văn hóa đặc sắc như biểu diễn nghệ thuật của các đoàn nghệ thuật tỉnh Phú Thọ, các đoàn trong nước và quốc tế với sự có mặt của Đoàn nghệ thuật Hwasecong (Hàn Quốc)… cùng với các hoạt động diễn xướng dân gian truyền thống, hội trại văn hóa và hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh Phú Thọ 2009 và các hoạt động biểu diễn dân ca dân vũ, dàn nhạc các dân tộc.

Đặc biệt, lễ hội năm 2009 còn có sự giao lưu và biểu diễn văn nghệ của các em khuyết tật Phúc An - TP. Hồ Chí Minh; chương trình dâng bánh chưng, bánh dầy và phát lộc cho nhân dân về dự hội. Tại Bảo tàng Hùng Vương diễn ra triển lãm ảnh nghệ thuật 15 tỉnh phía Bắc cùng với triển lãm sách, chiếu phim, các quầy văn hóa phẩm và những tư liệu về lịch sử Đền Hùng, huyền thoại, truyền thuyết dấu tích về thời đại Hùng Vương, lịch sử con người và nhân dân Phú Thọ qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước… Tại khu đồi Công Quán có các hoạt động hát Xoan, đâm đuống, đánh trống đồng. Ngoài ra, trong đêm 3-4 (tức đêm 9-3 âm lịch) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng sẽ có bắn pháo hoa ở tầm thấp.

Công tác chuẩn bị và các công trình xây dựng, tu bổ phục vụ lễ hội năm 2009 cũng có nhiều nét mới: Khu trung tâm lễ hội đã được mở rộng 3ha từ cổng Đền chính đến Ngã ba Đền Giếng, sân lễ hội đã được khánh thành có sức chứa khoảng 1 vạn người. Các bậc lên xuống các đền đã được tu sửa chỉnh trang, hàng loạt cây xanh trồng mới khắp các khu vực; các panô, khẩu hiệu, cờ phướn được trang trí đa sắc màu treo từ thành phố Việt Trì đến khắp Trung tâm lễ hội và các vùng phụ cận.

Lễ dâng bánh cúng tổ tiên.

Tại khu vực lễ hội sẽ có 2 bảng điện tử lớn, mỗi bảng có kích thước 53m2 để phát các hình ảnh về lễ hội, các phim tài liệu về Đền Hùng cũng như tiếp sóng các chương trình hoạt động diễn ra tại lễ hội phục vụ trực tiếp du khách. Công tác kiểm tra sửa chữa cung cấp nước sạch, hệ thống điện chiếu sáng, công trình vệ sinh, thu gom rác thải, vệ sinh môi trường trong khu vực lễ hội cũng được đặc biệt quan tâm.

Ngoài ra, du khách còn được chứng kiến những công trình kiến trúc độc đáo vừa được xây dựng mới cũng như vừa được tu bổ hoàn thiện. Trước tiên phải kể đến đền thờ Lạc Long Quân, với tổng vốn đầu tư xây dựng hơn 100 tỷ đồng, được xây dựng trên đồi Sim cách núi Nghĩa Lĩnh gần 1km với địa thế “sơn chầu thủy tụ” trước có hồ nước rộng, 2 bên là núi.

Đền thờ chia làm 3 khu vực, khu A có diện tích 9.000m2 là khu đền chính, khu B rộng 9.400m2 là khu đón tiếp và nhà quản lý, khu C là khu công trình phụ trợ rộng 11.900m2. Hiện đền chính, nhà tả vu, nhà phương đình, nghi môn, cổng biểu tượng, trụ biểu, sân vườn đường dạo, lan can đá đã được hoàn thiện. Bên cạnh đó, việc đúc tượng Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân cao 1,98 mét, nặng 1,5 tấn cùng 2 pho tượng tướng lĩnh hầu cận mỗi tượng cao 1,8 mét và nặng 0,5 tấn đã hoàn thiện và an vị.

Công trình tu bổ Đền Thượng và Lăng với tổng trị giá hơn 38 tỷ đồng cũng đã được hoàn thiện. Công trình được tu bổ trên nguyên tắc giữ nguyên phong cách kiến trúc cổ cũng như bảo đảm các giá trị nghệ thuật cùng các yếu tố tâm linh. Năm nay, du khách sẽ thỏa ước nguyện tưởng nhớ các Vua Hùng, phần lễ và phần hội được tổ chức với nội dung phong phú, rộng mở hơn.Cứ đến tháng Ba, ngày giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng lại như vẫy gọi cháu con về với quê hương đất Tổ.

NGỌC HÂN (Trong bài có sử dụng tài liệu của đồng nghiệp ở Báo Phú Thọ)

;
.
.
.
.
.