Đến làng đá mỹ nghệ Non Nước, hỏi về người chuyên sáng tác những tác phẩm mô phỏng tượng Chăm cổ thì ai cũng biết và tỏ lòng kính trọng cụ Lê Bền, bởi cụ đã có 65 năm trong nghề và các con trai của cụ hiện nay là đời thứ tư góp phần quảng bá, giới thiệu và lưu giữ những nét đặc trưng của văn hóa Chămpa…
Dù đã ở tuổi 80, nhưng ngày ngày nghệ nhân điêu khắc cổ truyền Lê Bền vẫn mải mê sáng tác. |
Nghe chúng tôi tò mò hỏi về làm tượng đá Chăm có khác gì các tượng khác, cụ trầm ngâm rồi bộc bạch: Chỉ có những người am hiểu, yêu mến và chịu khó tìm hiểu về văn hóa Chăm mới đủ khả năng thẩm thấu về những tác phẩm Chăm. Ở cơ sở của ông, rất khác với nhiều cơ sở điêu khắc khác tại làng đá mỹ nghệ Non Nước. Ông không cần đơn đặt hàng, không cần hợp đồng mà trước hết, ông chỉ sáng tác cho thỏa lòng đam mê, thích thì làm, yêu mến thì cứ đục đẽo. Thế nhưng, khi được tác phẩm nào thì du khách đến mua tác phẩm đó… Đó chính là sự khác biệt - ông nói.
Một sự khác biệt nữa mà chỉ có những nhà điêu khắc cổ truyền như ông mới tường tận. Đó chính là cái thần sắc trong mỗi pho tượng - là giá trị thẩm định một tay nghề trong nghệ thuật điêu khắc đá. Ông chia sẻ: Tôi làm nghề này, mục đích chính không phải là kinh doanh làm giàu mà cốt là để lưu giữ và quảng bá những nét văn hóa truyền thống cổ Chămpa. Không phải hễ ai có tiền đến đây cũng đều có thể sở hữu được một bức tượng, mà phải là người đồng cảm và có chút am hiểu về văn hóa Chăm.
Một góc vườn tượng của nghệ nhân điêu khắc cổ truyền Lê Bền. |
Và, hiển nhiên, ông có thêm một niềm tự hào lớn nữa là ba người con trai của ông là Lê Thanh Tân, Lê Chiến Anh, Lê Chiến Em và bao thế hệ học trò của ông giờ cũng đã tiếp nối được nghề và đang tiếp tục mải mê, cần mẫn với từng vũ điệu Chămpa trên đá. Với ông, đó là niềm hạnh phúc nhất của một cuộc đời làm nghề đá truyền thống.
Bài và ảnh: NGỌC HÂN