.

A Tép - … km ký sự

.

Đã từng háo hức. Hồ hởi. Hứng khởi. Nôn nao. Nhưng tất cả những cảm giác ấy tiêu tan, biến mất theo từng km đường đèo uốn lượn ngoắt ngoéo. Những biển báo khúc quanh nguy hiểm cong queo như cái cù nèo làm ai cũng thót tim. Đi ba giờ đồng hồ mới gặp chiếc xe ngược chiều, hai bên đường miên man, mải miết những vách đá, vực sâu, những rừng cây bạt ngàn. Vắng rợn. Không một bóng người, trâu bò cũng không. Mấy bữa trước chán người bỗng bây giờ thèm người da diết.

.

Người trên xe không biết làm gì cho qua cơn hoang mang mệt mỏi này, đành ngó ra cột cây số với một niềm hy vọng mãnh liệt nào đó. Và cái bệ bê-tông lùn beo lùn bít được trân trọng thái quá, qua được một cột cây số, vài ba người lại reo lên như gặp bạn cũ, gặp má đi chợ mua bánh ú về. A Tép – 50km*. Trưa xế rồi, xe chao lắc liên tục nên ai cũng đói, hai tiếng A Tép là niềm hy vọng lớn.

Đã chuẩn bị trước tinh thần là đường vắng, người thưa, ít hàng quán nên lúc trưa dừng chân lại quán xôi định mua xôi hộp, chị chủ quán nói bằng giọng Quảng Trị đặc sệt, hết xôi gà rồi, chỉ còn xôi trộn thôi. Mình nghe thế nào mà thành xôi… chồn, thấy hơi… dã man, hớt hải chạy ra xe xin ý kiến tập thể, “Xôi chồn, dám ăn không ?” Mọi người hơi hoảng, bảo xôi gì ghê vậy, thôi, đi. Bây giờ thì hối hận, bây giờ thì đang đói và hoang mang, A Tép - 46km.

Bỗng dưng, A Tép là nỗi thương mong lớn, nghe dịu dàng, dễ thương như nhà mình ở đó, con mình ở đó, má mình ở đó. Ít văn chương mơ mộng hơn thì cũng hy vọng một thị trấn nhỏ, đông người, nhiều quán cà-phê bên đường có mắc võng, những quán ăn sẽ có cháo gà, loại gà rừng thịt ngọt lừ, chắc nụi. Mấy cô chủ quán xinh đẹp sẽ mang ra một đĩa khăn ướt thơm tho, chườm nước đá mát lạnh. A Tép 39km.

Cảm giác nôn nao như ai đó đang đứng ở A Tép lạ hoắc, A Tép xa xôi chờ mình. Nếu tệ lắm thì sẽ có cái quán nhỏ với những gói mì tôm trụng trong nước nóng. Và dòng suối nhỏ sau nhà nước trong vắt, lạnh ngắt ngai ngái mùi lá mục và hoa rừng. Những cột cây số vun vút lùi lại đằng sau. Chẳng ai thèm reo lên khi thấy những dòng suối mùa khô chảy vòng vèo dưới thung sâu, chẳng ai thèm chỉ trỏ mỗi khi thấy một loài hoa rừng đỏ rực trên vách núi. Bây giờ thì mọi người ngóng trông A Tép.

Nghĩ mông lung, nhớ lại hồi đi Sài Gòn, mỗi khi ngán ngẩm, mỗi khi mong tới nơi, mình hay trông ra cột cây số, một liệu pháp chống buồn chán rất hiệu quả. Đi qua mỗi cột cây số, thấy cuộc hành trình của mình lưng đi một ít, nỗi ngán ngẩm cũng vơi theo. Cái cách mình đi đường giống cách mình leo núi, chống một gậy để thấy mình lên cao một chút, lại giống như cách mình sống, vịn vào thành tích gì đó, dù là bé xíu (thí dụ như tấm bằng công nhận “nữ hai giỏi”) để thấy những ngày tháng đã qua không quá vô nghĩa, để thấy bớt mình đã bước thêm một bước đời, phía trước bớt dài, bớt mù mịt, chông chênh.

Những cột cây số ở quốc lộ mà mình quen thuộc luôn báo cho mình biết khi nào, còn bao xa nữa thì đến đích, thì kết thúc cuộc hành trình. Bao giờ cũng xuất hiện trên đó những cái tên mình đã thuộc lòng, Sóc Trăng - …km, Trung Lương - …km, và mỗi lần xe ra khỏi TP. Hồ Chí Minh, cột cây số trong lòng mình là Nhà Mình - 320km, kèm theo đó là cảm giác xao xuyến, bồn chồn.

Nhưng trên con đường Hồ Chí Minh xa lạ này, đoàn lữ hành đi trong trạng thái vô vọng, chẳng biết cái gì chờ mình phía trước, càng không biết bao giờ mới đến đoạn cuối cuộc hành trình, lúc nào mới được ngả lưng trên chiếc giường chăn nệm ấm. Người Quảng Trị chắc đang lo lắng, cứ mỗi lần qua thị trấn lớn, điện thoại xuất hiện một cột sóng hiếm hoi, lại nghe người Quảng Trị gọi vói theo thăm hỏi. Mới gặp chỉ nửa buổi, trò chuyện vài câu mà như ruột thịt trong nhà, ấm lòng, cảm động. Bây giờ cục sắt vô duyên mang tên điện thoại cũng không thể reo lên. Bây giờ mới thấy mình giống bèo, giống lục bình vì cái sự vô định miên man tận chân trời. Một km nữa đến A Tép của tôi.

Cả đoàn người dựng thẳng lưng dậy, hăng hái bẻ tay rôm rốp, hồ hởi cười ha ha. Một ông lão trước đó cởi quần dài ra vì gió Lào nóng hừng hực giờ lúi húi mặc vào. Sắp tới A Tép, hẳn chỗ đó quan trọng lắm, sầm uất lắm nên cột cây số mới thông tin liên tục như vậy chớ.

Và A Tép là một… cây cầu vắng ngắt. Nó cắt nát mọi hy vọng, nó chà đạp, cười nhạo lên những nôn nao, chờ đợi của một đoàn người trên một chặng đường đèo dài thăm thẳm. Xe chạy rướn lên chút nữa, thấy có đúng… mười cái nhà dân nhưng không hàng quán gì ráo. Tuyệt vọng thật. Đời mình chưa bao giờ thấy tuyệt vọng và hoang mang như vậy, mặt trời đã chếch gần dãy núi. Ta đi về đâu đây?

Bắt đầu nghĩ quẩn, tê tái cả lòng nhưng không dám nói ra, nếu chiếc xe bỗng dưng nhỏng nhèo nằm ì ra thì đêm nay sẽ ngủ ở chốn đèo heo hút gió này, sẽ đói, sẽ khát, điện thoại không sóng nên sẽ không thể cầu cứu được ai, trừ chờ xe của bạn đường đi qua trong điều kiện ba giờ đồng hồ mới có một chiếc. Khủng khiếp.

Đến bây giờ thì không còn nhớ đã đi qua đoạn đường tiếp theo như thế nào để đi đến một cái quán không đủ ghế cho 14 người uống cà-phê, và không có gì làm no lòng ngoài… hột gà. Ngồi chờ chị chủ quán bắc nồi nước sôi luộc trứng, nghĩ về A Tép, bỗng thương, vì nó đem đến cho mình quá nhiều cảm xúc. Từ hy vọng, chờ đợi, háo hức đến tuyệt vọng, giận dữ. Đáng ra, phải cảm ơn A Tép với những cột cây số bên đường, ít ra nó giúp người ta nguôi sợ, quên không còn ngại khó, dấn bước trên quãng đường thăm thẳm.

Nhưng tại sao ta phải trông ngóng những cột cây số, toan tính cho cuộc hành trình, hoạch định một đích đến, tại sao ta không ngủ một giấc, rồi thức dậy rong ruổi với cảnh vật hai bên đường, tại sao ta lại bị những cột cây số che khuất để không còn thấy những dòng suối nhỏ, những vạt hoa rừng, những đàn bướm vàng vào mùa di cư bay rợp cả thung lũng, như lá khô chao lơ lửng mãi giữa trời, những vách đá óng lên dưới nắng, mây vắt vào mặt trời chiều… Tại sao ta phải để tâm trí vào hoạch định cuộc đời mình, phải hối hả tới nơi nào đó mà bỏ qua, quên lãng bao nhiêu điều tuyệt đẹp bên đời.

Mình đặt những câu hỏi rối bù lúc nửa đêm, khi xe vào Kon Tum, khi đã qua hơn 600km đường đèo dốc, khi người đã mệt lử, nhẹ bâng.

Nguyễn Ngọc Tư

*A Tép thuộc huyện Tây Giang (Quảng Nam).

;
.
.
.
.
.