Văn hóa dân tộc Cơtu nói chung, chữ viết của người Cơtu nói riêng là một trong những bộ phận cấu thành tạo nên một “Nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc”. Tuy nhiên, nguy cơ thất truyền chữ viết của đồng bào Cơtu tại các xã phía Tây của thành phố Đà Nẵng đang cận kề và rất cần một giải pháp cụ thể của ngành chức năng nhằm bảo tồn chữ viết của đồng bào nơi đây.
Gìn giữ và bảo tồn chữ viết của đồng bào Cơtu có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. |
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có khoảng 190 hộ dân tộc Cơtu với hơn 900 nhân khẩu. Đa số bà con sinh sống tại các thôn Phú Túc, xã Hòa Phú và hai thôn Tà Lang và Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Trong kháng chiến chống Mỹ, đồng bào dân tộc Cơtu (Quảng Nam-Đà Nẵng cũ) đã xóa được rất nhiều hủ tục lạc hậu, phong trào học chữ quốc ngữ phát triển mạnh, đồng thời phiên âm, biên soạn được chữ viết Cơtu, dạy chữ Cơtu, xuất bản báo bằng chữ Cơtu (tờ Gung Dưr).
Nhưng theo ông Đinh Văn Nhom, Trưởng thôn Phú Túc thì hiện nay số người biết và viết được chữ Cơtu chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là những người tuổi cao, sức yếu. Vì vậy, đồng bào dân tộc Cơtu hiện nay rất lo cho sự mai một của chữ viết dân tộc mình. Chúng tôi được ông Nhom đưa đến tận nhà ông Đinh Văn Trí, năm nay 64 tuổi, là người dân tộc Cơtu duy nhất ở thôn còn viết và đọc rất rõ tiếng Cơtu, hiện là Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn.
Ông Trí tâm sự: “Tôi rất muốn truyền lại chữ viết “mẹ đẻ” cho thế hệ trẻ trong thôn, nhưng không có cách nào để làm vì không có nơi để dạy, không có kinh phí thực hiện và cũng chưa được sự ủng hộ của chính quyền địa phương. Mặc dù trong nhiều cuộc họp, tôi đã nêu ra vấn đề này nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa đồng ý”.
Ông Đặng Huynh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết, chính quyền xã rất tâm đắc với vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là chữ viết của đồng bào Cơtu. Nhưng để mở một lớp học thì gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí, cơ sở trường lớp, giáo viên và cả giáo trình giảng dạy. Chính vì thế, muốn thực hiện được, xã cần sự chỉ đạo và đầu tư của cấp trên về chủ trương, kinh phí, cơ sở vật chất và cả con người.
Việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Tuy nhiên, đứng trước những nguy cơ “thất truyền” chữ viết của đồng bào Cơtu ở các xã phía tây thành phố Đà Nẵng, rất cần sự quan tâm của chính quyền địa phương, các ngành chức năng nhằm góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam nói chung và của người Cơtu ở Đà Nẵng nói riêng.
Bài và ảnh: VĨNH KHANG