.

Biệt chiêu “Rọi quyền soi thế”

.

Võ sư Trần Khương (1880-1968) tục danh là thầy Tư Phụng, quê làng Đông Bàn, Gò Nổi, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Nổi tiếng, được nhiều người kính phục với biệt chiêu “Rọi quyền soi thế”, ông truyền lại biệt chiêu này cho một số đệ tử “ruột”, trong đó không ít người thành danh trong nền võ thuật cổ truyền Việt Nam.

Võ sư Nguyễn Bầu.          

Thầy Tư Phụng là Chưởng môn nhân sáng lập võ phái Tứ Phụng - một võ phái nổi tiếng có nguồn gốc từ Gò Nổi. Mỗi khi thấy một võ sĩ nào thực hiện một biệt thế kỳ chiêu hạ đối thủ một cách dễ dàng, thì sau đó một ngày đêm, ông liền ứng xuất một thế võ khắc chế, triệt phá ngay kỳ chiêu đó với tính thuyết phục rất cao. Chính biệt tài này mà ông được mệnh danh là thầy của môn võ “Rọi quyền soi thế” và làng võ miền Trung đương thời phong tặng ông danh hiệu “Gia Cát quân sư tái sinh”.

Trò thi đấu, thầy “rọi quyền soi thế”

Võ sư Lưu Thanh Bình quê làng Bà Rén, huyện Quế Sơn. Mỗi khi thượng đài giao đấu, ông thường dùng thế “Long trảo truy phong” hốt ngựa địch thủ ném xuống đài, dù cho đối thủ nặng cân hơn. Mùa xuân năm 1942, ở trận tranh giải vô địch tỉnh Quảng Nam do Nha hỏa xa Trung phần tổ chức tại huyện lỵ Hòa Vang, ngay đêm đầu, Thanh Bình giao đấu với võ sĩ Huỳnh Thanh Xuân, người này có thân hình to lớn, nặng 75kg. Hai lần ông đã hốt gọn được bộ ngựa, nhưng đều bị Thanh Xuân dùng thế “Hổ bộ hồi phong” phá giải để thoát hiểm dễ dàng.

Thời đó, Thanh Bình nổi tiếng làng võ với biệt danh “Cọp điếc Quảng Nam”. Là học trò cả của Thầy Tư Phụng, thế mà ông đành bó tay để cho Thanh Xuân làm chủ trận đài hai đêm liền! Đến đêm thứ ba chung kết, sau khi được sư phụ dạy cho thế “Long mẫu xuất trung cung, phấn hoa truyền phóng nhụy”, Thanh Bình vững lòng thượng đài. Ở phút thứ hai, hiệp nhứt, khi Thanh Xuân xuất thế “Hổ bộ hồi phong” để hóa giải thế “Long trảo truy phong” như hai đêm đầu, thì ngay lập tức Thanh Bình xuất tuyệt chiêu mà thầy vừa dạy, khắc chế địch thủ, hốt trọn bộ ngựa của Thanh Xuân ném thẳng xuống sàn đài. Theo luật hồi ấy, võ sĩ Lưu Thanh Bình hoàn toàn chiến thắng.

Ông Bình có người học trò tên là Nguyễn Bầu, người làng Tân Mỹ Đông, huyện Duy Xuyên, cũng tiếng tăm lừng lẫy.

Ở võ đài cấp ngoại tỉnh do Tòa hành chính tỉnh Quảng Nam tổ chức tại thị xã Hội An vào trung tuần tháng 2 năm 1943, võ sĩ Đoàn Khánh Dư, đương kim vô địch tỉnh Quảng Ngãi, làm chủ tình hình 2 đêm liền với thế võ “Hồng sư đại náo sơn lâm”. Đêm thứ ba là đêm quyết định kết quả trận đài, được khán giả háo hức chờ đón. Thầy Tư Phụng sau khi “rọi quyền soi thế” đối thủ ở đêm thứ nhất, đã khẩn trương luyện tập cho Nguyễn Bầu thế võ “Thanh long oai giáng hạ”. Đến hiệp thứ 5, Nguyễn Bầu thi triển thế võ mà sư tổ vừa truyền dạy, khắc chế, hóa giải thế “Hồng sư đại náo sơn lâm” của Đoàn Khánh Dư, đoạt cúp chiến thắng. Tên tuổi Nguyễn Bầu được nhiều người biết đến từ đó, và làng võ tặng ông danh hiệu “Hổ xám rừng xanh”.

Chiến sĩ - võ sĩ và biệt chiêu thầy dạy

Võ sư Văn Công Tài.    (Ảnh: N.Q)

Võ sư Văn Công Tài người làng Tiệm Rượu, xã Duy An, huyện Duy Xuyên, luyện võ từ năm 1934 với Thầy Tư Phụng. Ông thường theo sư phụ và đại sư huynh Lưu Thanh Bình đến các trận đấu đài để học hỏi. Ông luôn kính phục những võ sĩ có đạo đức, nhân cách cao, quang minh chính trực, trọng nghĩa khí hơn giải thưởng. Năm 1950, ông đi bộ đội, chiến đấu dưới một cái tên mới là Văn Công Tràu, thuộc Đại đội 13, Tiểu đoàn 19, Trung đoàn 108 - Trung đoàn chủ lực của Liên khu V.

Thượng tuần tháng 12 năm 1951, Trung đoàn 108 về đóng quân tại thị trấn Bình Định, nơi phong trào võ thuật lúc này đang phát triển mạnh. Nhân lễ hội, chính quyền tổ chức một đêm đấu võ cổ truyền dân tộc với luật đấu tự do, một đêm đấu 6 hiệp. 5 hiệp đầu do ban tổ chức sắp xếp, riêng hiệp then chốt thủ đài do võ sĩ Lê Hữu Có, tự xưng là “Bình Định vô địch” trực chiến thách đấu với bất cứ võ sĩ nào ở các địa phương khác. Hữu Có từng được biết đến với cú đá “Bàng long cước” độc đáo, và cú đấm “Thôi sơn đả hổ” nặng ký, là một tài năng đang độ vươn lên, nhưng còn nhiều tự phụ, háo thắng.

Công Tài báo cáo chỉ huy xin được thi đấu với Hữu Có. Sau 3 ngày nghiên cứu chiêu thức của đối phương bằng biệt chiêu “Rọi quyền soi thế” của sư phụ truyền dạy, Công Tài tự tin thượng đài. Hiệp đầu, ông phát thế “Thiết tỏa yểm đan điền”, khắc chế được thế võ “Thôi sơn đả hổ” của Hữu Có và chiếm được thế thượng phong. Sang hiệp hai, ngay từ phút đầu, Hữu Có đã uy hiếp đối phương với thế “Liên hoàn Bàng long cước”. Không chút nao núng, Công Tài liền phát thế “Ngọa hổ tầm xà”, chận đứng đòn đá liên hoàn cước của đối thủ, đồng thời tiếp thêm chiêu “Phạt mộc trảm xà”. Không dừng lại, ông bồi thêm chiêu “Độc cước băng tiêu”, đá phốc vào đối phương khiến cho Hữu Có rơi xuống sàn đài, lăn quay bất tỉnh.

“Rọi quyền soi thế” quả là một tuyệt chiêu lợi hại, nhưng rất tiếc không phải ai cũng học được, và đến nay đã tuyệt tích chốn võ đường.

NGUYỄN QUÝ

;
.
.
.
.
.