.

Cửa sổ tri thức

.

* Tác giả Nguyễn Quang Trung Tiến (trong bài “Gìn giữ khí thiêng Ngũ Hành Sơn” đăng trên Đà Nẵng Cuối tuần số ra ngày 26-4-2009) và một số người cho rằng “động Âm Phủ ở Ngũ Hành Sơn thông ra tới biển”. Xin hỏi: (1). Đã có nhà thám hiểm nào theo động Âm Phủ đi ra tới biển? (2). Điểm tiếp nối giữa động và biển ở chỗ nào? (Phạm Ngọc Cừ, Thuận Phước, Hải Châu, Đà Nẵng).

Lối vào động Âm Phủ ở Ngũ Hành Sơn.

- Âm Phủ là một trong những động (còn gọi là hang) đẹp, nổi tiếng nằm trong cụm danh thắng Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Trong bài báo đã nêu, tác giả gọi là “huyệt” và mô tả: “Âm Phủ huyệt nằm ở phía nam Thủy Sơn, thiếu ánh sáng mặt trời, càng sâu càng tối, thông ra tới biển, nên có tên là Âm Phủ”.

Cho đến nay, theo tra cứu của chúng tôi, chưa có một nhà thám hiểm nào theo động Âm Phủ ra tới biển, ngoài sự thăm dò của Bác sĩ Albert Sallet được chính ông viết lại trong cuốn “Les Montagnes de Marbre” do BAVH (“Bulletin des Amis du Vieux Hué” - Tập san của những người bạn Cố đô Huế) xuất bản năm 1924. Bản tiếng Việt của thiên biên khảo công phu này (“Ngũ Hành Sơn”, Nguyễn Sinh Duy chuyển dịch và bổ chú, NXB Đà Nẵng, 1996, tr. 113), ghi như sau:

“Nghiêng mình bên miệng giếng, xuyên qua những tia đuốc khua qua lại để phá tan cái bóng tối dưới chúng tôi, chúng tôi ngợp cả khói đuốc và mất hút vào chiều sâu của trò chơi rơi rụng tàn đuốc, dường như chìm xuống rất sâu, tôi thăm dò bằng một vật nặng và nó rơi dừng lại ở đáy giếng có cát. Cái lỗ không có đáy của ngọn núi cho thấy một chiều cao là 12m”.

Tác giả kể tiếp rằng, sau khi ông rời khỏi nơi này, các nhà sư đã tiếp tục thăm dò bằng cách gióng một sợi dây dừa nhưng không tới được miệng lỗ, do nước biển “dường như đã xâm nhập vào lỗ tương đương với 12m” mà tác giả đã đo lường.

Điều thú vị là, cũng theo tác giả, trước đó, vua Minh Mạng trong một lần ngự vãng đến Ngũ Hành Sơn đã muốn thám sát để xác định hang động được mệnh danh là “Lối vào Địa ngục” này. Vua sai 12 người lính thắp đuốc đi xuống. Sau một hồi luồn lách qua khắp ngóc ngách của huyệt, họ đành quay trở lên và quỳ chịu tội xin vua rút lại lệnh thám sát đã ban. Vua bằng lòng, nhưng lại ném mấy quả trái cây có khắc chữ của ngài xuống miệng hang Âm Phủ. Hôm sau, người ta phát hiện chúng nằm trên bãi biển.

Kể lại các sự việc này, tác giả bày tỏ “sự tin tưởng rất rõ ràng về một luồng thông thương dưới lòng đất hang Âm Phủ với mực nước lên xuống ngoài biển” (tr. 114).

Ở Việt Nam, có nhiều hang động được đặt tên “Âm Phủ”, trong đó Thạch Động ở Hà Tiên có nét tương đồng với động Âm Phủ ở Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Trong lòng Thạch Động có một hang ăn sâu xuống lòng đất gọi là “Đường xuống Âm Phủ”, tương truyền thông ra tận biển, thả xuống đó một trái dừa (có đánh dấu) sẽ vớt được nó ngoài bãi biển. Nay, không thể kiểm chứng chuyện này, vì hang đã bị lấp để tránh tai nạn cho du khách.

Quay lại với nội dung đang bàn. Nếu chuyện tìm thấy trái cây trôi từ động Âm Phủ ra biển là có thật thì hiện nay cửa động thông ra biển vẫn nguyên vẹn như xưa hay đã bị vùi lấp (do tác động địa lý hoặc do con người như trường hợp hang Thạch Động ở Hà Tiên)? Chỉ thực nghiệm việc thăm dò như vua Minh Mạng ngày xưa đã làm mới có thể trả lời câu hỏi này.

Đ.N.C.T

;
.
.
.
.
.