.

Dấu cũ Tam Kỳ

.

Trong thực trạng tư liệu Hán Nôm ở vùng Tam Kỳ hiện còn rất ít, việc khảo sát các bia mộ trên địa bàn có thể tái hiện phần nào dấu tích khai phá của tiền nhân ở vùng đất từng một thời là lỵ sở huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa xưa.

Bi ký mộ Tiền hiền tộc Lê (bên trái) và tộc Đỗ ở thôn Phú Bình, xã Tam Xuân 1 đều ghi lại sắc phong vào năm Duy Tân thứ bảy (1913).

Trên bia mộ tiền hiền tộc Nguyễn làng Bích Ngô (nay thuộc xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành), hậu duệ tộc ấy đã ghi một bài thơ chữ Nôm: “Kể từ lưu đáo Quảng Nam dinh/ Sinh hạ ngày nay đến ở mình/ Mưu để cháu con nên khẩn ruộng/ Kính thờ thần thánh mới làm đình/ Đào ao đắp đập phòng trời hạn/ Đãi cát bòn vàng nạp thuế thanh/ Lịch sử vì đâu lưu lạc mất/ Tám câu xin ứng nghĩa đồng thanh”. Bài minh ở mộ này cho biết Bích Ngô là tên chữ của thôn Cây Vông thuộc làng Đức Hòa xưa. Làng này có một thôn nữa có tên là Đức Bồng mà sau cải danh là Bồng Miêu, nơi người dân từng “đãi cát bòn vàng nộp thuế thanh”.

Chuyện “đào ao đắp đập”, “đãi cát bòn vàng” cũng đã được con cháu “tứ phái tiền hiền” làng Phú Hưng (nay thuộc xã Tam Xuân 1, Núi Thành) kể rõ trong bản khai với đoàn khảo sát Trường Viễn Đông Bác Cổ vào năm 1927 về công tích của các vị tiền hiền Nguyễn, Trần, Lê, Đỗ trong việc khai phá các xứ đất vùng hữu ngạn sông Tam Kỳ. Thông tin ấy một phần dựa vào các gia phả, phần chủ yếu dựa vào các văn bia trên mộ bốn vị tiền hiền táng trên các xứ đất Ba Lay, Trà Phê, Bàu Dũ (gần di chỉ khảo cổ học Bàu Dũ) nay thuộc thôn Phú Bình, xã Tam Xuân 1 đã nói trên.

Các bi ký ấy đều ghi lại sắc của triều đình vào năm Duy Tân thứ bảy (1913) phong cả bốn vị tiền hiền danh hiệu “Dực bảo trung hưng linh phù chi thần”. Theo đó, ta cũng biết thời điểm các vị này “lưu đáo Quảng Nam dinh”: Tiền hiền Lê Tây Trụ được phong tước Võ Nghĩa Bá đã nam chinh rồi lưu trú tại đây ngay từ thời Hồng Đức (1470-1497); Tiền hiền Đỗ Quang Minh đến định cư ngay năm đầu niên hiệu Chánh Hòa (1680 - đời vua Lê Hy Tông)…

Phía tả ngạn sông Tam Kỳ (nay thuộc nội thành Tam Kỳ), không kể dấu tích trên bia mộ vị Tiền hiền Lê Tấn Trung của tộc Lê làng Trường Xuân, người được gia phả trong tộc ghi là một hoàng thân thời Lê từng theo vua Lê Thánh Tông nam chinh rồi trấn thủ tại Quảng Nam, ta gặp rất nhiều ngôi mộ xưa mà văn bia và các bài minh đã thể hiện nhiều chi tiết.

Làng Tam Kỳ xưa có hai vị được phong tiền hiền: Một người tộc Nguyễn thôn Hương Sơn, một người tộc Trần thôn Hương Trà. Ông Nguyễn rời làng Ngọc Lâm, ông Trần rời làng Kim Chuyết (hai làng đều thuộc huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) vào vùng ven sông Tam Kỳ từ năm đầu niên hiệu Hoằng Định (1600 - đời vua Lê Kính Tông). Mộ hai ông này đều táng tại vùng đất có tên xưa là “Truông Dài Nhà Núi xứ”.
 
Cũng tại đây (nay là phường Hòa Hương, thành phố Tam Kỳ), có một ngôi mộ xây bằng vôi bồ ghè (cát + vôi nung bằng xác hàu hến + nhớt thực vật) có kiểu thức rất xưa với tấm bia hiệu “Việt Cố” bằng sa thạch chạm những họa tiết rất giống mô-típ hoa văn Chăm trên các tháp Khương Mỹ và Chiên Đàn. Tấm bia này khắc chữ nổi (người địa phương gọi là “chữ vỏ đậu”) ghi thời điểm lập bia là năm Bính Tuất (1646? 1706? 1766?). “Việt Cố” là loại bia mộ được dựng vào thời điểm nước ta chưa dùng quốc hiệu Đại Nam (từ Gia Long trở về trước).

Đây có thể là tấm bia mang hiệu Tống Sơn đầu tiên được phát hiện ở khu vực miền Trung. (Ảnh: P.B)

Cùng kiểu thức và chất liệu vôi bồ ghè như trên, có hai ngôi mộ ở Gò Bảng, thôn Thạnh Hòa, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh (xưa thuộc làng Chiên Đàn, định sở của huyện lỵ Hà Đông vào thế kỷ XVII-XVIII), trong đó chỉ một ngôi còn nguyên tấm bia bằng sa thạch.

Ở bia này, bên cạnh các hình vẽ mang phong cách Chăm trên đầu mộ, còn có họa tiết như tấm bia “Việt Cố” nói trên với danh tính người khuất núi ghi rất rõ là “Hiển tỷ Câu kê chánh thất Nguyễn thị mộ”. Đây là mộ bà vợ chính của một ông có chức là Câu Kê - một chức quan trọng trong bộ máy triều đình các chúa Nguyễn xứ Đàng Trong (chức danh này từng được Lê Quý Đôn nhắc đến trong Phủ Biên Tạp Lục).

Tấm bia này đặc biệt ở chỗ, phần đầu lòng bia không ghi hiệu như thông thường mà ghi hiệu là “Tống Sơn” – tên một vùng đất thuộc tỉnh Thanh Hóa, nơi phát tích của các chúa Nguyễn. Căn cứ vào năm dựng bia được ghi là Nhâm Ngọ có thể phỏng đoán thời điểm xuất hiện của tấm bia này sớm nhất là năm 1642 và muộn nhất là 1762. Đây có thể là tấm bia mang hiệu Tống Sơn đầu tiên được phát hiện ở khu vực miền Trung.

Còn nhiều ngôi mộ xưa có bi ký ghi hiệu “Nam Cố” được dựng vào khoảng nửa đầu thế kỷ 19 với các bài minh có thể giúp tái hiện dấu tích người và việc xưa của đất Tam Kỳ một cách rõ ràng. Việc khảo sát các bia mộ trên địa bàn có thể tái hiện phần nào dấu tích khai phá của tiền nhân ở vùng đất từng một thời là lỵ sở huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa xưa.

PHÚ BÌNH

 

;
.
.
.
.
.