(ĐNĐT) - Hàng trăm cánh diều mang hình tượng của các đồ vật, cây cỏ, con người đã lướt gió trên bầu trời Cửa Đại vào chiều qua (23-5).
Hội thi diều lần thứ 5 do khách sạn Victoria Hội An phối hợp với Phòng Văn hóa - Thể thao thành phố Hội An tổ chức thu hút 118 người chơi diều đến từ các địa phương trên cả nước được xem như một tiết mục mở màn cho chuỗi các sự kiện chào mừng “Hành trình di sản Quảng Nam lần thứ IV”.
Lái xì-po trên không
Tiếng “động cơ” vù vù cùng những cú lạng lách dũng mãnh của diều xì-po (Sport hay còn gọi diều lượn) ngay từ đầu đã gây sự thích thú đặc biệt cho tất cả khách tham quan hội thi. Khác với kiểu diều một dây, khác với cách điều kiển diều bay nhẹ nhàng theo hướng gió, diều xì-po có tới hai dây và tay cầm. Diều không được cài các thiết bị âm thanh, nhưng với cách chế tạo độc đáo chỉ từ hai lớp vải, khi bay trên bầu trời, nó lại phát ra tiếng phản lực cộng với tiếng động cơ xe máy.
Đặc biệt hơn, diều bay theo nguyên lý cản gió, tức càng bị cản gió càng lượn dữ dội nên có đông người tụm lại níu dây chừng nào, sức căng của diều càng mạnh lên chừng đó.
Những cậu bé tuổi Teen tỏ ra rất thích hợp với loại diều gây cảm giác mạnh này bởi người “lái” phải có thể lực tốt và có máy... chạy xe. Năm thanh niên ôm chằm lấy nhau dồn hết sức lực để lái một con diều đã liên hồi nhận những tràn pháo tay của khán giả. Chỉ cần những người khác đuối sức thả tay ra, thì người cầm dây chính sẽ bị kéo nháo nhào hoặc bị nhấc bổng lên không.
Nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân bay cùng diều xì-po. |
Tuy nhiên, vẫn có một người đàn ông 60 tuổi, vóc người gầy cưỡi xì-po như chơi trước sự tán thưởng của mọi người. Ông là Nghệ nhân chơi diều Nguyễn Thanh Vân của đoàn thành phố Hồ Chí Minh. Theo Nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân, diều xì-po mới chính thức ra mắt trong hội thi diều năm nay, chỉ vì thả diều một dây hoài cũng ngán nên họ chế ra cái gì đó là lạ. Với cỡ người khoảng 45 kg như Nghệ nhân Thanh Vân thì xì-po đủ sức cho ông tận hưởng cảm giác được bay lên cùng diều.
Được chơi là sướng rồi
Dù mức hỗ trợ cho mỗi người tham dự hội diều khá khiêm tốn (150 ngàn đồng đối với người ở Quảng Nam, Đà Nẵng; 500 ngàn đồng đối với người ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội), nhưng hầu hết các nghệ nhân cho rằng, được tạo một sân chơi để phô diễn và chia sẻ niềm đam mê với họ là cái giá trị nhất.
Du khách chiêm ngưỡng diều. |
Bỏ qua sự hạn hẹp về kinh phí, đoàn thành phố Hồ Chí Minh mang ra Cửa Đại cả trăm con diều, “con nào bay được cho thả hết”, một thành viên nói. Trong số đó, con Bạch Tuột khổng lồ ngốn không ít tiền bạc, công sức. Nghệ nhân Thanh Vân cho hay: “Bạch Tuột dài 45 mét, nặng 25 kg, được 5 người may từ 500 mét vải trong 4 tháng ròng”. Thế nhưng, chưa kịp tung toàn bộ thân mình lên trời, Bạch Tuột đã bị gió giông quật lên cành dừa đành “bó bột” nằm một chỗ. Dẫu sao, những người làm diều miền Nam cũng tỏ ra hết sức tự hào vì thành quả của họ.
Trên bãi biển chiều qua có hàng trăm người chơi, nhưng sự chú ý của mọi người lại dồn vào một bóng hồng 59 tuổi Trần Thị Thu Thuỷ.
Bà là tay chơi diều thứ thiệt khi đã có hàng chục năm lang thang mọi miền với diều và hiện là chủ nhiệm CLB Phượng Hoàng quy tụ đông đảo người mê diều. Bà chia sẻ vanh vách kinh nghiệm đoán gió, thời điểm nào nên thả loại diều nào. Ngoài con Bạch Tuột do bà kỳ công góp phần làm nên, bà cùng CLB của mình đang hoàn tất những khâu cuối cùng cho con diều Rồng dài 1000 mét để đón chào 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
|
Thu Hoa
(*): Trích câu thơ "Diều no gió gửi niềm vui về mặt đất" (nhà thơ Võ Quê)