Đến thời điểm này, Liên hoan Dân ca toàn quốc lần thứ 3 đã đi gần hết chặng đường với sự thành công của 5 khu vực (đêm chung kết khu vực miền núi phía Bắc sẽ diễn ra vào tối 24-5). Theo GS. TS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật của liên hoan tại 4 khu vực, điểm nổi bật của liên hoan này là nhiều làn điệu dân ca nguyên gốc được khôi phục
- Thưa Giáo sư, mục tiêu đặt ra của Liên hoan Dân ca toàn quốc lần này là gì?
GS.TSKH Tô Ngọc Thanh
* GS Tô Ngọc Thanh: Tổ chức liên hoan lần này, chúng tôi đặt ra mục tiêu phát hiện, trình diễn, khai thác và sưu tầm những làn điệu dân ca nguyên bản nhằm khơi dậy vốn dân ca mà 30 năm qua chưa được mọi người quan tâm đầy đủ. Đây cũng là dịp để mọi người hiểu hơn về sự phong phú, đa dạng cũng như giá trị của những làn điệu dân ca nguyên bản của 54 dân tộc trên đất nước Việt Nam.
- Chỉ còn một đêm chung kết khu vực miền núi phía Bắc nữa là kết thúc liên hoan, ông có thể cho biết những thành tựu mà liên hoan đã đạt được cho đến thời điểm này?
* GS Tô Ngọc Thanh: Có thể nói, mục tiêu nguyên bản đề ra khi tổ chức liên ngày càng được thể hiện một cách rõ ràng. Theo dõi liên hoan, mọi người đều có thể cảm được đây là một cuộc hội ngộ những tinh túy của dân tộc. Nếu như liên hoan dân ca năm 2005 và 2007 số lượng tiết mục không phải dân ca nguyên gốc còn nhiều, thì lần này đã giảm rõ rệt, chỉ có số ít tiết mục bị sân khấu hóa. Ở liên hoan lần này, chúng ta cũng được chứng kiến một cuộc bàn giao thế hệ. Đó là số lượng nghệ nhân tham gia ít hơn liên hoan lần 1 và 2, thay vào đó là sự xuất hiện thế hệ mới, trẻ tuổi, chỉ từ 30-40, thậm chí có cháu mới 8 tuổi. Một thành tựu nữa là số lượng nghệ nhân người dân tộc thiểu số tham gia ngày càng nhiều.
- Ông đánh giá như thế về khả năng của lớp trẻ?
Hát quan họ ở Hội Lim, Bắc Ninh.
* GS Tô Ngọc Thanh: Họ tiếp thu và trình diễn những làn điệu dân ca cổ thật tuyệt vời, không chê vào đâu được. Sau khi xem Kiều Anh đến từ câu lạc bộ ca trù Thái Hà trình diễn điệu “Gửi thư”, một cháu nhỏ mới 8 tuổi ở Bắc Ninh hát quan họ, Quách Thị Hồng Xiêm hát chèo... chúng tôi thực sự yên tâm, không còn phải lo lắng gì nữa. Các cháu được dạy rất bài bản, thể hiện đúng được phong cách nghệ thuật đặc trưng của từng làn điệu dân ca. Sự thành công của lớp trẻ cho thấy các nghệ nhân đã hết lòng truyền dạy cho lớp trẻ. Nó cũng cho thấy lớp trẻ không hề quay lưng lại với âm nhạc truyền thống.
- Hẳn là liên hoan đã phát hiện được những làn điệu dân ca nguyên gốc, thưa ông?
* GS Tô Ngọc Thanh: Đúng vậy, tại liên hoan đã xuất hiện những làn điệu nguyên gốc, mới được phát hiện. Đó là thể loại dân ca kể chuyện Ma Liêng của người K’Ho, là loại hát bài chòi rong thường kể một tích truyện như hát xẩm ở ngoài Bắc; là điệu “Tuyết dạt sông Tương” - làn điệu chèo độc đáo của riêng làng Khuốc, tỉnh Thái Bình...
- Ông đánh giá như thế nào về phong thái của những nghệ nhân người dân tộc thiểu số?
* GS Tô Ngọc Thanh: Tôi luôn thấy ở họ lòng tự tin, tinh thần hào sảng. Có thể thấy càng ngày họ càng tự tin. Họ quan niệm tới liên hoan không phải là đi diễn mà là đem những nét văn hóa thường ngày của họ giới thiệu với mọi người. Họ bảo: “Ồ, hát thế này thì mình làm được, ngày nào mình cũng làm mà. Mình thấy người Ba Na làm được mình cũng muốn làm”. Có người lại mong liên hoan được tổ chức hằng năm. Họ nói với tôi: “Cán bộ ơi, mỗi năm tổ chức một lần đi. Tôi thích cái bụng rồi”. Quả thật nghe được những lời đó, chứng kiến được những thành công của liên hoan, tôi cảm thấy rất hạnh phúc.
- Bên cạnh những kết quả đã đạt được, có điều gì cần rút kinh nghiệm để tổ chức những liên hoan sau tốt hơn không, thưa ông?
* GS Tô Ngọc Thanh: Quả thực là còn có một số tiết mục bị sân khấu hóa, hiện đại hóa. Có đoàn tuy trình diễn dân ca nguyên bản nhưng lại đệm thêm múa. Tôi cho rằng không có một thủ pháp nghệ thuật nào là xấu cả nhưng phải dùng cho đúng chỗ. Các liên hoan lần sau cần thông báo rõ cho các địa phương đừng nhầm lẫn giữa liên hoan với các hội diễn khác để họ mang tới những tiết mục, những làn điệu dân ca đúng như nó vốn có.
- Xin cảm ơn ông!
Ngọc Lan (Thực hiện)