.

Nghề khảm xà cừ

.

Khảm xà cừ hay cẩn xà cừ là một nghề thủ công lâu đời của người Việt. Trước đây, hầu hết các sản phẩm khảm trai được sử dụng trong cung đình và ở các nhà giàu có. Sau một thời gian dài vắng bóng, đến nay khảm xà cừ đang dần trở lại vị thế của mình...

Nghề  lắm công phu

Nghề khảm xà cừ luôn đòi hỏi sự tỉ mỉ và phải luôn có sự sáng tạo.

Chất liệu xà cừ thông thường được lấy từ trai, ốc nên khảm xà cừ còn được gọi là khảm trai hay khảm ốc. Vỏ trai được ưa chuộng là loại vỏ của trai ngọc môi vàng, có kích thước lớn, mặt trong có lớp xà cừ dày, màu óng ánh. Người thợ khảm trai dùng những mảnh vỏ trai để khảm (gắn) lên các đồ vật. Nghề khảm trai có các công đoạn cơ bản:

Bước đầu là chẻ vỏ thành mảnh rồi rọc theo thớ. Mảnh vỏ ốc cắt xong thì đem ngâm nước rồi hơ đèn nóng để uốn phẳng vì vỏ ốc vốn cong. Sau đó, vẽ mẫu cho bức tranh, cưa ốc theo nét vẽ, đục gỗ và gắn ốc vào gỗ, mài khảm, thể hiện đường nét và cuối cùng là dùng bột đen sơn để làm rõ các chi tiết của bức tranh.

Khảm xà cừ thường được kết hợp với đồ gỗ đánh bóng sơn mài mỹ nghệ. Bản thân chất liệu xà cừ tạo nên nhiều màu sắc óng ánh cho chi tiết trang trí. Các họa tiết ở đồ khảm xà cừ có thể là về hoa lá, chim bướm, các danh lam thắng cảnh ở Việt Nam hay từ một tích cổ nào đó trong dân gian. Khảm xà cừ thường được khảm ở đồ trang sức, khuy áo, đũa, đồ gỗ như bàn, ghế, giường, sập, tủ, bình phong, tranh treo tường...

Hiện nay, công đoạn khắc thủ công có thể thay thế bằng máy khắc laser và các loại máy móc hỗ trợ khác, song việc cẩn các mảnh xà cừ và hoàn thiện sản phẩm vẫn không thể thiếu được đôi bàn tay của nghệ nhân.

Nghề của thời thượng

Anh Phạm Lộc, chủ cơ sở Mộc mỹ nghệ Mai Lộc tại ngã tư Lê Độ- Trần Cao Vân cho biết, trải qua thời gian, các vật dụng được khảm xà cừ của cha ông ta từ nhiều thế hệ trước đến nay vẫn còn nguyên giá trị về thẩm mỹ và văn hóa. Nhờ đó, khi kinh tế phát triển, người dân có nhiều cơ hội mua sắm, trang hoàng nhà cửa thì không quên các loại vật dụng có khảm xà cừ.

Trong vòng 3 năm trở lại đây, các loại vật dụng có khảm xà cừ được ưa chuộng trở lại. Tuy nhiên, theo anh Lộc, thời gian 3 năm mới đủ để một người chưa biết gì về khảm xà cừ học thành thợ. Chính vì thế, nhiều cơ sở khi nhận được những hợp đồng lớn thì phải “thắp đuốc” đi tìm thợ hoặc đành phải nuối tiếc từ chối.

Anh Thanh, chủ cơ sở Mộc mỹ nghệ cao cấp Thanh Phong trên đường Trần Cao Vân cho biết, nhu cầu thị trường khảm xà cừ rất lớn, nhưng đội ngũ thợ có tay nghề cao lại ít, vì vậy ngày công lao động chúng tôi phải trả cho họ cũng rất cao. Nếu thợ làm công thì mỗi ngày phải trả cho họ từ 150 nghìn đến 200 nghìn đồng. Những người thợ giỏi, biết nhận khoán thì hằng tháng thu nhập của họ từ 6 triệu đến 8 triệu đồng. Vậy là, khảm xà cừ cũng là một nghề có thu nhập khá hiện nay.

Bài và ảnh: NGỌC HÂN

;
.
.
.
.
.