Thời gian đầu, Nguyễn Ngọc Tư cầm bút “chỉ để giải tỏa cảm xúc”, về sau, chị thấy sự viết đã thành “cái nghiệp nặng trĩu, và đầy nợ nần”.
* Chị đánh giá ra sao về nghề văn?
|
* Thưa chị, Tạp văn có vị trí thế nào đối với chị? Có bao giờ chị nghĩ rằng: viết tạp văn để làm sang những truyện ngắn của mình hoặc viết tạp văn dễ hơn viết truyện ngắn…?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Tôi viết tạp văn để kiếm sống trên… báo. Hoàn toàn không phải vì viết tạp văn dễ hơn truyện ngắn. Tạp văn thì có đất trên báo hơn. Và vì mưu sinh, tôi phải chọn hoặc viết những gì đơn thuần thuộc về lĩnh vực báo chí hoặc một cái gì đó gần gũi với văn học hơn. Tạp văn giúp tôi không quá xa rời văn chương, đến mức quên cảm giác và từ bỏ con đường đó.
* Hầu hết các ý kiến khen hay chê tác phẩm của chị đều lấy hiện thực đời sống làm thước đo. Chị nghĩ sao về cách đọc trên?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Dù với tác phẩm của tôi hay của bất cứ người viết văn nào, cách đọc này gây buồn. Tôi không định viết phóng sự, mặc dù tài năng có hạn, sự bay bổng có hạn.
* Phải chăng viết văn cũng có tính chất mùa vụ?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Tôi cũng từng nói, người ta không phải lúc nào cũng lên dốc, tôi đôi lúc phải dừng lại, nghỉ ngơi, và không loại trừ phải lủi thủi xuống dốc, một mình. Tôi nghĩ tới việc đó từ khi mới bắt đầu, chẳng có gì vô tận.
* Thưa chị, viết văn theo hứng có điểm gì được hoặc chưa được?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Viết theo cảm xúc thì rất… nghiệp dư. Tôi là một người viết nghiệp dư.
* Nhiều nhân vật của chị “sống trong cô đơn tột cùng”. Cảm thức cô đơn cùng chiều hướng số phận bế tắc của không ít nhân vật, có mối liên hệ nào với cảnh ngộ cuộc sống mà chị đã từng gặp không?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Tôi không gửi gắm mình ở duy nhất nhân vật nào, cả sự cô đơn cũng không phải là ám ảnh của riêng tôi. Bạn cũng cô đơn theo kiểu của bạn, tôi cũng vậy. Và khi trút xuống trang viết sự cô độc, tôi nghĩ, tôi đang viết về tất cả những người sống quanh mình. Ai cũng cảm nhận được nó.
* Có người nói, mỗi nhà văn dù lớn đến đâu cũng chỉ có một vùng đề tài ưa thích và anh ta chỉ có thể viết hay về vùng đề tài đó mà thôi. Chị có nghĩ thế không?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Mười năm trước thì nghĩ chắc chắn vậy. Bây giờ vẫn nghĩ vậy, nhưng không chắc lắm, tôi đang thử…
* Mối liên hệ của chị với văn hóa Nam Bộ? Giả sử chị buộc phải xa mảnh đất Nam Bộ, chị có nghĩ rằng truyện ngắn của mình vẫn giữ được phong độ cũ hoặc hay hơn hiện nay không?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Tôi chỉ biết mình sẽ viết khác đi, nếu rời khỏi vùng đất này. Và tôi không tin sự thay đổi đó sẽ giúp tôi viết hay hơn. Bởi khi đó tôi trở thành một tôi khác.
* Chị có thường lo lắng về các bản dịch, rằng có thể nó sẽ đánh mất tâm thức Nam Bộ, giọng điệu Nam Bộ của chị?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Tôi thường lo lắng cho… người dịch, chẳng biết các anh chị ấy xoay xở thế nào với cái phương ngữ rối bời của tôi.
* Chị đã từng giành được rất nhiều giải thưởng văn chương. Có gánh nặng và áp lực nào sau khi chị nhận những giải thưởng đó không? Chẳng hạn, chị phải viết thận trọng hơn, phải viết hay hơn và nóng bỏng hơn, hoặc nếu có dịp phát biểu chính kiến thì cũng phải gây ấn tượng hơn nữa …
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Tám năm trước, sau một giải thưởng, tôi luôn nghĩ, làm sao để khẳng định được mình. Giờ thì tôi chỉ nghĩ, làm sao để giữ được chính mình.
* Chị đã từng gặp rắc rối hai lần với truyện ngắn Cánh đồng bất tận? Bài học nhân sinh hay bài học sáng tác nào được chị rút ra từ những sự rắc rối ấy?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Sẽ bị tụt lại nếu người ta cứ dừng lại nhặt đá bên đường. Và nặng nề hơn dùng chúng để ném trả lại. Tôi chọn cách thản nhiên đi tới.
Trân trọng cảm ơn chị!
HÀ THANH VÂN (Thực hiện)