.

Những cơn bão vẫn thường mang tên phụ nữ

.

Nhà văn Trần Thùy Mai sinh năm 1954 ở Huế, chị từng là sinh viên Đại học Sư phạm Huế, rồi là giảng viên Khoa Ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm Huế một thời gian dài trước khi chuyển sang làm công tác biên tập ở Nhà Xuất bản Thuận Hóa cho đến nay. Có truyện ngắn đầu tiên đăng trên báo Văn nghệ năm 1975, lúc đó chị 22 tuổi.
 

Nhà văn Trần Thùy Mai

Giai đoạn này, như chị tâm sự: "Chỉ viết lai rai cho vui thôi. Thích thì viết. Còn trẻ, nên truyện của mình còn dàn trải lắm". Rồi thời gian trôi đi, cô gái Huế luôn nhỏ nhẹ, dịu dàng này làm vợ, rồi làm mẹ của hai đứa con. Khi cuộc sống có nhiều lo toan và bộn bề dâu bể thì người đọc cũng bắt đầu nhìn thấy trên từng trang viết của chị những chắt lọc của nỗi niềm sâu lắng, cô đọng và dữ dội, bạo liệt hơn… Đặc biệt là hình ảnh về người phụ nữ với những thiệt thòi, bất hạnh trong cuộc sống, tình yêu và hôn nhân...

Tính đến nay, Trần Thùy Mai đã cho xuất bản các tập truyện: Bài thơ về biển khơi, Thị trấn hoa quỳ vàng, Cỏ hát, Trò chơi cấm, Gió Thiên đường, Quỷ trong trăng (Giải B Hội Nhà văn Việt Nam – 2002), Biển đời người, Lửa của khoảnh khắc, Thập tự hoa (Giải thưởng văn học nghệ thuật của Ủy ban toàn quốc các Hội VHNT-2003), Đêm tái sinh, Mưa đời sau, Mưa ở Strasbourg và gần đây nhất là Một mình ở Tokyo…

Bên cạnh những tập truyện ngắn cứ mỗi ngày mỗi thêm hớp hồn độc giả ấy, nhà văn Trần Thùy Mai còn là một người rất có duyên với điện ảnh, những truyện ngắn hay của chị cứ lần lượt được chuyển thể thành kịch bản phim như: Trăng nơi đáy giếng, Thập tự hoa và Gió Thiên đường. Riêng bộ phim Trăng nơi đáy giếng do đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn dàn dựng đã được vinh danh trong giải Cánh diều vàng năm 2008 (phim được giải Cánh diều bạc dành cho phim truyện nhựa và diễn viên Hồng Ánh thủ vai chính trong phim này được trao giải nữ diễn viên xuất sắc nhất). Lý giải vì sao văn của chị không rộn ràng mà cứ thâm trầm như mảnh đất và con người xứ Huế.

Vì sao phim được chuyển thể từ truyện của chị không có những cảnh ăn chơi trụy lạc, đấm đá, đua xe, áo quần hở hang, rực rỡ như những phim câu khách đương thời? Chị nói: Có lẽ là do lúc viết mình luôn nghĩ là viết cho những người đọc của thời bình. Đây là lúc người ta có thời gian để trở lại với những vấn đề gần gũi với cuộc sống: tình yêu, tình người, thân phận con người… Mặt khác, cuộc sống công nghiệp ngày càng căng thẳng khiến người ta cần có những rung động chân thành, lãng mạn, để chống lại sự công nghiệp hóa tâm hồn...
 
Những gì mình viết ra đều là từ đời sống này, từ mảnh đất Huế thâm trầm này... Một cô Hạnh chịu đựng và hy sinh tất cả cho hạnh phúc của chồng trong Trăng nơi đáy giếng, một sư Mi bắt đầu biết đến sự ngọt ngào và đau khổ trong tình yêu với mối tình đầu sớm vụn vỡ trong Gió thiên đường, một thiếu phụ giam mình trong kỷ niệm của Thập tự hoa.

Người đọc có thể tìm thấy trong mỗi tập sách của chị những cái tựa truyện ngắn đầy hình tượng và rất gợi cảm, dường như toàn bộ linh hồn của mỗi truyện ngắn đều được nhà văn dồn nén ở phần tựa truyện này. Với bạn văn hay những độc giả của mình, nhà văn Trần Thùy Mai khi đàm luận về khía cạnh này, chị cũng bộc bạch một cách rất chân thành rằng: Tựa truyện giống như tên của một con người, phải nói lên điều gì đó. Trong quá trình viết, cái tựa tự hình thành. Như Thập tự hoa chẳng hạn, thập tự giá trước khi trở thành biểu tượng mang tính tôn giáo thì nó vốn là một công cụ dùng để xử giảo, để đóng đinh những kẻ có tội. Những người này thường phải tự mình vác trên lưng cây thập tự đến chỗ sẽ bị hành hình, tự chôn xuống.

Người ta thường dùng hình ảnh cây thánh giá như là một biểu tượng nói về kiếp người. Kiếp người là nhọc nhằn, vất vả và kết thúc là cái chết. Nhưng thực ra trong cuộc sống con người ta cũng thu nhặt được biết bao điều hạnh phúc. Bởi vậy, theo mình tình yêu rồi hạnh phúc như những bông hoa mọc lên trên thập giá của đời người. Mỗi đời người đều có một cây thập tự phải mang, cái cứu chuộc sự nhọc nhằn hữu hạn của kiếp người chính là tình yêu.

Có lẽ vì vậy mà nhiều bạn đọc sau khi đọc văn của chị thường có chung một nhận xét: “Truyện của Trần Thùy Mai thường rất nhẹ nhàng và giàu nữ tính”. Còn bản thân chị, chị đã thổ lộ cùng với độc giả của mình rằng: Truyện của tôi thường là nhẹ nhàng, nhưng cũng có truyện không nhẹ nhàng chút nào... Thực ra nữ tính không phải lúc nào cũng được biểu lộ qua tính cách nhẹ nhàng. Những cơn bão vẫn thường mang tên phụ nữ, phải thế không?

Gần đây nhất, chị lại cho ra đời tập truyện ngắn với tựa “Một mình ở Tokyo” do NXB Văn nghệ ấn hành. Sau khi sách được xuất bản một thời gian ngắn, các nhà sách đã bán sạch và phải nối bản tiếp với số lượng vài nghìn cuốn cho một lần in. Xét về mặt tổng thể thì 12 truyện trong tập “Một mình ở Tokyo” vẫn phảng phất dáng dấp của cảnh và người xứ Huế như những tập truyện trước đây, người đọc vẫn bắt gặp ở đây những áng văn như những lời thì thầm đầy ma lực…

Trong số 12 truyện ở tập này, có đến 7 truyện chị viết với bối cảnh ở nước ngoài, tên nhân vật cũng là ngoại quốc… Chị kể: Thời gian sau này, do có nhiều truyện của chị được chuyển ngữ nên chị có thêm nhiều chuyến đi đến Nhật Bản hay Hàn Quốc nên có thêm cảm hứng mới, thấy được những góc rộng hơn của cuộc sống, từ đó khung cảnh trong trang viết cũng được đổi khác. Cũng phải kể đến những người bạn mới, họ là những kênh thông tin giúp mình thâm nhập một mảng khác của cuộc sống. Chị thổ lộ: Đề tài lịch sử cũng được chị rất chú tâm trong từng sáng tác của mình, đặc biệt là lịch sử các vương triều ở Huế, là đề tài chị mong muốn viết từ rất lâu.

Trong chính sử, các sử gia thường ghi rất sơ lược về nhân vật, thậm chí có những phần bị giấu nhẹm, nhưng qua những dòng chữ còn lại đó, ta có thể thấy những số phận, những tình cảnh rất con người. Trần Thùy Mai luôn muốn phục dựng lại những chỗ bị lướt nhòa đó bằng cách bổ sung những giai thoại trong dân gian, trí tưởng tượng và suy lý lịch sử. Chị cho rằng trong lịch sử luôn có những bài học lặp đi lặp lại, những câu chuyện nhân văn rất gần gũi với con người hiện tại…

Vẫn với tư duy nghệ thuật ấy, hiện nay ngoài công việc thường nhật là một biên tập viên văn học của Nhà Xuất bản Thuận Hóa, nhà văn Trần Thùy Mai đang dành nhiều thời gian còn lại để dịch sách, viết một truyện ngắn có bối cảnh ở Singapore. Chị còn hoàn thiện một tiểu thuyết đang dang dở và một kịch bản dành cho phim truyện nhựa có tựa đề là “Song loan”, một bộ phim mà theo chị là sẽ có rất nhiều yếu tố âm nhạc.

BẢO THY

 

;
.
.
.
.
.