.

Rạo rực Cù lao Chàm

.

Trong những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5-2009, dù ảnh hưởng của thời tiết gây mưa trên diện rộng ở khu vực Trung Trung Bộ, biển động; nhưng lượng du khách chọn Cù lao Chàm làm điểm nghỉ dưỡng, tham quan vẫn không sút giảm đáng kể.

Cù lao Chàm nằm về phía đông, cách Cửa Đại ở thành phố Hội An hơn 10 hải lý (gần 19km). Để đến Cù lao Chàm, từ Cửa Đại tàu cánh ngầm chạy mất khoảng 20 phút, xuồng cao tốc hết chừng 25 - 30 phút, tàu khách và thuyền du lịch mất khoảng 60 - 90 phút tùy theo thời tiết. Lúc biển động, xuồng cao tốc thường chịu những cơn sóng va đập mạnh, thuyền du lịch cũng bị sóng nhồi lắc lư, chao đảo, chỉ phù hợp những người thích cảm giác mạnh.

Cụm đảo Cù lao Chàm có 8 hòn đảo lớn nhỏ nằm trải theo hình cánh cung trên diện tích 15,5km2, gồm những tên gọi rất dân dã là Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Lá, Hòn Khô Mẹ, Hòn Khô Con, Hòn Tai, Hòn Ông; như câu ca dao mô tả:

Ông Lao đốn lụi thật Dài

Chờ Mồ Khô Lá, xuống Tai chực Nờm

(Nờm hay Nồm, hoặc Nam, là bãi biển ở phía nam bán đảo Sơn Trà thuộc thành phố Đà Nẵng).

Hòn Lao có những bãi biển rộng, cát mịn màng bằng phẳng, là nơi duy nhất có dân sinh sống với khoảng 3.000 người, tạo nên xã đảo Tân Hiệp; còn những hòn đảo khác đá dựng tứ bề, quanh năm là thế giới của chim muông, hoa lá. Cao điểm 517 nằm trên Hòn Lao là nóc nhà của cụm đảo. Nguồn nước ở đây dồi dào với bốn con suối nước ngọt tự nhiên, bốn mùa nước chảy, đủ để cư dân đảo canh tác lúa nước.

Cù lao Chàm nằm trên biển Đông, chịu ảnh hưởng của khí hậu hải dương nên động thực vật phát triển phong phú. Trên đảo có 499 loài thực vật thuộc 352 chi, 115 họ của 5 ngành thực vật bậc cao với nhiều loại lâm sản quý như gõ, kiền kiền, dẻ, chua, mây; khoảng 228 loài cây làm thuốc thuộc 107 họ thực vật với nhiều loại dược liệu quý như mã tiền, sơn máu, ngũ gia bì, đặc biệt có 2 loài cây thuốc Nam quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam là cây cỏ nhung và cây trầm hương.

Động vật có 12 loài thú, 13 loài chim, 130 loài bò sát, 5 loài ếch nhái; nổi tiếng là nhím, sóc, khỉ, trăn, rắn, cua đá, chim yến; trong đó có khỉ đuôi dài và chim yến được xếp vào Sách đỏ của Việt Nam. Từ năm 1986, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định công nhận rừng Cù lao Chàm là rừng cấm quốc gia. Tháng 10-2003, Khu Bảo tồn thiên nhiên Cù lao Chàm được thành lập để bảo tồn sinh vật hoang dã trên đảo.

Sinh vật biển khu vực Cù lao Chàm có 202 loài cá, 4 loài tôm hùm, 84 loài nhuyễn thể, 135 loài san hô - trong đó 6 loài lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam. Năm 2004, Khu Bảo tồn biển Cù lao Chàm ra đời, rộng 5.175 ha, có 165 ha dành cho san hô và 500 ha cho các loài rong biển. Đây là khu bảo tồn biển thứ hai ở Việt Nam sau Hòn Mun của Khánh Hòa thành lập năm 2001.

Chùa Hải Tạng.

Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những dấu tích con người trên đảo cách đây khoảng 3.000 năm trở lại, với các di chỉ thuộc văn hóa Sa Huỳnh, Champa, Việt nối tiếp nhau. Từ khoảng thế kỷ X-XI, Cù lao Chàm đã trở thành tiền tiêu của khu vực Cửa Đại - Hội An trên biển Đông, là điểm dừng chân lấy nước ngọt, trú bão trên đường giao lưu buôn bán của thương gia Ả Rập, Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á.

Có lẽ do sự giao lưu hàng hải, thương mại diễn ra trên vùng đảo này ngay từ sớm, nên tên gọi về cụm đảo rất phong phú, như Cù lao Chàm, Chiêm Bất Lao, Tiêm Bích La, Ngọa Long; còn người nước ngoài cũng gọi nhiều tên là Polocham Pello, Polociampello, L"île de Champelo, Poulo Cham, Pulau Champa...

Dù là cụm đảo từng diễn ra luồng giao lưu thương mại từ xưa, nhưng không gian trên đảo vẫn đầy vẻ hoang sơ và cuộc sống của cư dân đảo thật thanh bình, tĩnh lặng, tách biệt nhịp điệu hối hả của đời thường nơi phố thị. Không chỉ trong lành về môi trường sinh thái, trên đảo có khá nhiều công trình kiến trúc cổ của người Chăm và người Việt được giữ gìn nguyên vẹn, với hơn 25 di tích có niên đại từ thế kỷ X-XI đến thế kỷ XX, nằm dọc sườn tây Hòn Lao, ở bãi Làng, bãi Hương. Hệ thống di tích tạo sự hài hòa giữa khung cảnh trời biển mênh mông với đời sống tâm linh của cư dân đảo.

Trong số các di tích, vẫn còn đó hệ thống bậc đá của cư dân Chăm-Việt xếp từ trên đỉnh cao 517, thượng nguồn suối Tình, theo sườn núi xuống các bãi cát ven biển. Đá xếp có nhiều loại, gồm công trình để ở và công trình khai thác nguồn nước phục vụ sản xuất ruộng bậc thang và sinh hoạt. Cạnh đó, chiếc giếng cổ Chăm ở Xóm Cấm phủ đầy rêu xanh theo thời gian vẫn không che hết miệng giếng hình tròn, lòng giếng hình vuông là nguồn nước ngọt cho dân đảo một thời, tưởng như không bao giờ khô cạn.

Đặc biệt nổi tiếng là chùa Hải Tạng, công trình kiến trúc cổ nằm giữa ba ngọn núi Bát Long, Ngọa Long và Tiêm Bút. Trước mặt chùa là cánh đồng ruộng nước vùng Đồng Chùa thuộc thôn Bãi Làng. Nguyên chùa được xây dựng vào năm Cảnh Hưng 19 (1758), nằm ở vị trí cách nơi tọa lạc hiện nay khoảng 200m về hướng đông bắc.

90 năm sau đó, gió bão làm chùa hư hỏng nặng, nên vào năm Tự Đức nguyên niên (1848), chùa được sửa và dời về vị trí hiện tại. Chùa Hải Tạng là công trình kiến trúc Phật giáo kết hợp thờ thần rất linh hiển, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của cư dân đảo và thuyền bè các nước ghé vào lễ bái.

Miếu thờ Tổ nghề yến.

Một công trình kiến trúc nổi tiếng khác là ngôi Miếu Tổ nghề yến được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX, thờ Tổ của nghề khai thác yến sào. Trong miếu cũng thờ các vị thần bảo hộ nghề yến và khắc ghi công đức chư tộc phái, những bậc tiền bối khai sáng nghề yến ở Cù lao Chàm. Giếng Xóm Cấm, chùa Hải Tạng, Miếu Tổ nghề yến được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 2006.

Giữa Hòn Lao, có một công trình thời hiện đại rất có ý nghĩa, là Âu thuyền của Cù lao Chàm. Để có được công trình nhân tạo làm nơi tàu thuyền neo đậu tránh bão, vào đầu thập niên 1980, có hơn 600 thanh niên Hội An đã tình nguyện ra đảo lao động. Âu thuyền luôn rộng mở để đón những con tàu bất kể địa phương, quốc tịch gặp thời tiết xấu lâm cơn hoạn nạn tìm nơi ẩn náu; hoặc tàu thuyền của cư dân đảo sau những giờ phút lênh đênh trên biển quay về nghỉ ngơi. Có thể ví Âu thuyền tựa như một tàu ngựa ở biển khơi, nơi những con “ngựa biển” tá túc, phục hồi sức lực.

Ở Hòn Lao, bãi Làng được xem như bãi chính, tập trung nhiều cư dân sinh sống, chủ yếu là nghề đánh bắt cá, trồng lúa và làm rẫy. Bãi Làng thật bình dị, dân dã như tính cách người dân biển đảo. Còn bãi Chồng thì vẫn giữ được nét hoang sơ và vẻ đẹp tự nhiên, với những hàng dừa và cát mịn bên mép nước trong vắt, mát dịu...

Vẻ đẹp thiên nhiên của Cù lao Chàm càng kỳ ảo, khi du khách đi thuyền đáy kính hoặc lặn biển ngắm san hô. Men theo những vách đá qua Hòn Chồng sừng sững để đến giữa bãi Hương, dưới làn nước trong xanh là rạn san hô nhiều lớp, từng đàn cá lấp lánh sắc màu bơi lượn, gần đến mức tưởng đưa tay là với được. Thế giới dưới nước xinh đẹp như phim hoạt hình về vương quốc của các lời thủy tộc. Nắng càng gắt, càng tăng độ nét của những dải san hô nhấp nhô trong nắng và nước.

Vòng qua phía đông Hòn Lao, toàn những vách đá nứt thẳng đứng, đáy ngập nước biển và gió thổi mạnh. Nơi đây, từng đàn chim yến về làm tổ và đẻ trứng trên cao, cheo leo nơi vách núi. Nghề nuôi yến ở Cù lao Chàm hằng năm chỉ khai thác yến từ hai đến ba kỳ, mỗi kỳ khoảng 4 - 5 ngày, bắt đầu từ tháng tư. Khi khai thác, người nuôi dùng loại tre to và dài nối vào nhau thành một giàn khung trong hang, cao chừng 2 - 3 tầm cây tre, khéo léo treo mình trên mấy chục mét chiều cao, thòng dây đu xuống, lách mình qua các khe hẹp dựng đứng để lấy tổ.

Du khách tắm biển tại Bãi Hương. (Ảnh trong bài: Mai Hoa)

Bên cạnh vẻ đẹp nhiều mặt, Cù lao Chàm còn có nhiều món đặc sản nổi tiếng như ốc vú nàng, ốc vú sao, cua đá, mực, cá... Đặc biệt, ốc vú nàng là nhuyễn thể sống bám vào đá dưới nước, có khi to đến nửa bàn tay, trên lưng phủ lớp vỏ xà cừ hình nón giống gò bồng đảo của gái dậy thì, thân màu vàng xanh, khi bị va chạm thì hơi chuyển sắc hồng. Ốc vú nàng có quanh năm, nhưng nhiều nhất là vào những đêm trăng rằm. Muốn bắt loại ốc này, phải ngâm mình dưới nước, dùng dao cạy từng con bám chặt lớp da bụng mềm mại vào đá. Có thể chế biến ốc vú nàng thành các món ăn có hương vị rất khó quên...

Với chiều dài lịch sử và những giá trị lớn lao về thiên nhiên, văn hóa, đời sống, Cù lao Chàm đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Danh thắng quốc gia từ năm 2007.

Còn rất nhiều thứ để có nhiều hơn những phút giây gần gũi cùng thiên nhiên, cảnh vật hoang sơ ở Cù lao Chàm, được trải lòng cùng biển đảo cho đầu óc thanh thản. Nên dù mới rời khỏi cụm đảo để về đất liền lo toan công chuyện đời thường, du khách vẫn không khỏi rạo rực khi nghĩ đến ngày quay lại đây vào những mùa nắng đẹp để tiếp tục khám phá, tận hưởng...

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN

;
.
.
.
.
.