.

Thơ Inrasara

Inrasara sinh 1957 tại làng Chăm Chakleng - tỉnh Ninh Thuận. Đã in 9 tập thơ, tiểu thuyết và phê bình. 20 công trình nghiên cứu văn học và ngôn ngữ Chăm. Đã đoạt các giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Văn học Đông Nam Á, Giải thưởng CHCPI - Đại học Sorbonne (Pháp)... “Thi sĩ trong câu thơ, học giả trong bài thơ, triết nhân trong tập thơ. Thời chúng ta đang sống có một nhân vật Chăm như vậy. Đó là Inrasara. Thơ ông vằng vặc tâm thế và trĩu nặng nỗi con người của quê hương xứ sở, lúc nào cũng phảng phất hình bóng của những ngọn tháp Chăm, những linh hồn Chăm...”. (Báo Người Hà Nội, số 31, 3-8-2007).

TAM CA XANH

Vòm sáng không cùng

đội hình tháp lướt qua vội vã

đọng lại một Mỹ Sơn.

Dâu bể bảy trăm năm

vẫn gượng dậy nửa bài ca bát ngát.

Dương Long

Yang Prong

Ba Tháp

vẫy khúc tam ca xanh.

Mùa mai

khi bạt ngàn chùa Miên miền Tây

hát cùng muôn đình làng Bắc bộ

dàn hợp xướng sẽ bật lên, bùng vỡ

vọng thăm thẳm thời gian.

Hành hương về bên kia đêm tối

Họ là đoàn hành hương cuối cùng

ra đi từ đêm của thế kỷ cũ

ra đi – dù không ngọn gió nào xua đuổi

dọc theo đường biên bóng tối. Ra đi.

Bao nỗ lực đã xóa trắng – họ chậm chạp bước đi

lầm lũi như thế. Dọc thế kỷ cuối cùng của thiên kỷ

tiếng nói bã nát giấu vào túi

đội trên đầu cái thúng rỗng, họ đi

biết mình là kẻ cuối cùng.

Họ đi – không tiếng động

dừng lại hành lễ không tiếng động, đọc kinh không tiếng động

nến cháy cũng gắng không gây tiếng động.

Khi tất cả đã tắt, họ đi

từ làng xa xôi đi về làng xa xôi

họ thấy nhà được dựng lên giống nhà họ – không là của họ

tiếng hát giống họ – không phải của họ

ký ức lịch sử đã hết hạn lưu trữ – họ đi

rất chậm về bờ bên kia, cố ngoảnh lại vài dấu vết

kẻ phải chịu mang sử mệnh không cần thiết

như là kẻ cuối cùng.

Họ đi lẩn vào bóng tối. Bóng tối xua tay khước từ họ

bóng tối tràn lên con đường trước mặt, tràn qua khuôn mặt họ

họ cúi mình thật thấp, thấp hơn kẻ bị lễ bỏ rơi

Kham nhẫn. Họ thu mình nhỏ lại, nhỏ hơn cả bóng mình.

Chợt hai cánh tay mỏng, gầy vươn dài ra

Và khởi động múa, tôi thấy

chuyển động cổ tay, bàn tay, chuyển động ngón tay theo nhịp điệu không mùa

cánh tay kia muốn nói gì? nó đang cố rướn hết cỡ

bỗng đứt. Bóng nó lẩn vào bóng tối tối đen hơn

chỉ còn khoảng rỗng đường cong vươn về khoảng sáng

khoảng sáng cuối cùng.

Như thế. Họ ra đi

không ngọn cỏ nào ngẩng đầu tỏ vẻ quan tâm đến có mặt của họ

không giấc mộng nào

nỗi có mặt của triều đại già nua oằn lên lũng mắt

không tố cáo/ oán than

họ đi về phía đêm tối – phía mặt sau của đêm tối

khi gió quét qua đồi trọc quê hương, bóng mắt họ đổ xuống

bỗng đôi chân nhăn nheo, đen đúa bước lạc khỏi đường biên

Và bắt đầu nhảy, tôi thấy

(tôi là kẻ cuối cùng nhìn thấy, có lẽ)

điệu nhảy thịnh mùa của loài chim sa mạc

không ưu tư, không dự án – cuồng nộ và hỏng chân

vũ điệu của buổi tiệc cuối cùng.

Giây cuối cùng của ngày cuối cùng

Của tháng cuối cùng của thế kỷ cuối cùng

Cái nháy mắt cuối cùng. Tiếng mấp máy môi cuối cùng

Ngoảnh lại cuối cùng. Buồn cuối cùng

Phụt tắt cuối cùng

Tro bụi cuối cùng.

Gió gượng thổi ngọn gió cuối cùng.

Chân dung nàng

Da thịt em nở – áo quần em chật

nhân khẩu tăng phần – khuôn nhà mãi hẹp

thôn xóm cứ mở – ruộng đất cứ teo.

Em bị nhổ khỏi plây

bị văng vào phố.

Em không có dây chuyền / không có quần jean

mang linh hồn ngọn đồi

em lạc vào phố lạ.

Em giặt giũ trong căn gác lạ

em thợ phụ trong xưởng may lạ

em hoảng hốt trong con hẻm lạ.

Mang linh hồn ruộng đồng

em rụng vào đêm lạ.

Mẹ ơi!

Đêm không còn sao cho em tìm về

không còn gió mùa cho ngày dắt đi.

Tay em không có nhẫn

em còn đôi mắt buồn

túi em không có tiền

em còn bàn chân nắng.

Về đâu?

Em mất hút trong ký ức bà con

ký ức người yêu

ký ức bạn bè

mẹ vời xa không lưa dấu vết

chỉ ký ức làng giữ lại tên em dưới bề sâu trầm tích

đã xưa.

Bỗng một hôm đồi thấy em trở về

nguyên buồn vui bà con lối xóm

như một trang đính chính rát đau.

Ra đi từ linh hồn ruộng đồng

linh hồn ngọn đồi

nàng đi về hướng phố

bạt ngàn phố dựng

hù dọa trái tim bị thương.

Nàng vẫn đi về mênh mông hướng phố

vẫy anh em đang mắt nhìn mở cửa

vẫy người yêu đã vợ con đủ đầy

vẫy bà con mãi liêu xiêu bão lũ.

Hình như hồn buồn nàng hé nắng

sẵn sàng mọc trái cây ban mai!

Bỗng một hôm làng có em trở về

vỡ linh hồn ngọn đồi ruộng đồng

như một dòng khởi đầu in đậm.

TẠ ƠN

Sống nghĩa là tạ ơn – ơn ngãi đầy tràn

nằm ngoài chân trời đếm đo được mất

tạ ơn làm cho ta lớn lên.

Quỳ gối trước đóa hoa dại nở đồi trưa

tạ ơn bàn tay đưa ra bất chợt

tạ ơn câu thơ viết từ thế kỷ trước

giọng cười xa, nụ hôn gần.

Quỳ gối trước mặt trời thức giấc mỗi sớm mai

tạ ơn chén cơm đói lòng, điếu thuốc hút dở

tạ ơn dòng sông mơ hồ chảy qua tuổi nhỏ

tên ngọn đồi, cánh rừng trong mơ chợt vang lên

tạ ơn bước chân hoang, trái tim lầm lạc.

Bởi không thể sống mà không tạ ơn

tạ ơn trang giấy trắng, tạ ơn dòng thơ cuối cùng chưa viết

Glơng Anak trăm câu – luận hai trăm năm chưa hết

vẫn còn đứa con Chăm chăm sóc ngôn ngữ Chăm

lá vàng biết rụng đi cho cây dậy mầm xanh

tạ ơn không gian vô cùng, thời gian bất tuyệt

dẫu không là cái đinh gì cả / tôi vẫn cần thiết có mặt.

Vậy nhé – tôi xin tạ ơn TÔI.

Inrasara

;
.
.
.
.
.