.
Văn hóa vùng biển

Lễ hội cầu an, cầu ngư

.

Trong tiết trời xuân, chúng tôi về thôn Kim Liên, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu để được chứng kiến Lễ hội cầu an, cầu ngư của bà con ngư dân. Vùng đất được mệnh danh là “rốn bão” này, cơn bão số 6 năm 2006 đã làm sập hàng trăm ngôi nhà, đánh chìm hàng chục tàu thuyền, nhiều hộ dân phải sơ tán về ở chung với Đồn Biên phòng 244… nhưng giờ đây quang cảnh mỗi ngày một đổi thay.
 

Lễ hội cầu an, cầu ngư ở khu văn hóa biển Kim Liên, Hòa Hiệp Bắc.

Người dân Kim Liên được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 244, đồng sức, đồng lòng, khắc phục khó khăn vươn lên xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp. Đặc biệt  năm nay người dân Kim Liên lại  có dịp  đón 2 cái Tết, Tết cổ truyền dân tộc vừa đi qua lại tiếp tục được đón cái Tết thứ hai của những người đi biển, đó là Lễ hội cầu an, cầu ngư.

Kim Liên nằm dọc theo bờ biển thuộc quận Liên Chiểu, trước mặt là biển cả mênh mông, bên trái là núi Hải Vân hùng vĩ. Nghề nghiệp chính của cư dân nơi đây vẫn là đánh bắt thủy-hải sản, do vậy trong cuộc mưu sinh, họ vẫn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, “mưa thuận, gió hòa” thì làm ăn khấm khá, nhưng nếu năm nào bão lũ nhiều thì đời sống gặp khó khăn. Lễ hội cầu an, cầu ngư của người dân Kim Liên không ngoài mục đích cầu cho trời yên biển lặng, “mưa thuận, gió hòa” để làm ăn, sinh sống.

Lễ hội cầu an, cầu ngư được toàn thể thành viên trong cộng đồng xem như một nghi lễ văn hóa quan trọng nhất của làng. Và theo tục lệ Lễ hội cầu an, cầu ngư được diễn ra vào khoảng tháng 2 âm lịch. Đây là thời tiết đầu xuân, vừa thích hợp nhất của con nước để ngư dân khởi đầu ra khơi vào lộng đánh bắt được nhiều hải sản. Các tiết mục văn nghệ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 244 được mô phỏng hình tượng ngư dân bám biển sản xuất.
 
Hoạt cảnh “Vượt qua sóng dữ” thể hiện tinh thần đoàn kết của các ngư phủ khi gặp rủi ro trên biển; hay hợp ca Hát bã trạo chào bình yên tái hiện lại một cách đầy đủ quá trình đi biển từ lúc ra khơi đến khi trở về của ngư dân. Suốt những ngày lênh đênh trên biển đánh bắt cá, đoàn “thủy thủ” có lúc phải chống chọi với giông bão, sóng gió dữ dội nhưng có khi lại an nhàn buông lưới giăng câu lúc biển lặng trăng thanh… Diễn mà như đời thực, hát đối đáp mà như cùng chuyện trò; tất cả gợi cho dân làng tinh thần phấn chấn, cảm giác thân thuộc cũng như tình cảm yêu thương gắn bó với biển cả.

Đến sáng hôm sau là ngày quan trọng nhất. Buổi lễ chính bắt đầu, người dân mang những thứ ngon nhất để cúng tế thần linh và đọc bài tế lên các vị tiền nhân của làng, cầu mong quốc thái dân an, phong điều vũ thuận, dân làng no ấm, mọi nhà hạnh phúc. Trong y phục chỉnh tề những người lớn tuổi trong làng gồm: Trưởng họ, trưởng phái, trưởng nhánh lần lượt vào đình làng lễ bái và cầu nguyện người đi trước, ơn trên phù hộ cho họ đạt được những điều mong ước.
 
Lễ kết thúc cũng là lúc mặt trời đội biển nhô lên, từ khắp các nẻo đường bà con già trẻ, gái trai đến các cháu thiếu nhi chào hỏi, chúc nhau những điều tốt đẹp, chuyện trò vui vẻ, thân mật, làm cho không khí lễ hội vui tươi, nhộn nhịp hơn. Trên bộ người đã đông, dưới biển người cũng lắm. Phần chung kết các cuộc thi được diễn ra trên biển, sôi nổi nhất là phần thi kéo co dưới nước. Phần thi này không chỉ tranh tài về  thể lực mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết tạo nên sức mạnh tổng hợp để chống chọi với thiên nhiên.

Thờ cúng thần linh trong Lễ hội cầu an, cầu ngư không mang tính huyền bí siêu nhiên mà thật gần gũi với sinh hoạt đời thường của ngư dân vùng biển. Lễ hội nhằm tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân khai khẩn đất đai, bờ cõi, truyền dạy nghề mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho dân làng. Đây là loại hình văn hóa lâu đời đã trở thành truyền thống tốt đẹp thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta mà người dân Kim Liên - Đà Nẵng luôn tôn kính và làm theo.

Bài và ảnh: BÁ VĨNH

;
.
.
.
.
.