.

Xây dựng “Tộc họ văn hóa” ở Trà Lộ

.

Trong những năm qua, bằng những việc làm thiết thực và cụ thể, tộc Phạm ở Trà Lộ (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) đã đạt được những kết quả khả quan trong cuộc vận động xây dựng “Tộc họ văn hóa”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, giáo dục người thân không vi phạm pháp luật và phấn đấu đạt danh hiệu “Gia đình hiếu học”...

Lễ phát thưởng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi được tộc Phạm ở Trà Lộ duy trì hằng năm.

Ông Phạm Trọng, Tộc trưởng tộc Phạm ở Trà Lộ cho biết: Để con cháu trong tộc thấy rõ được lợi ích thiết thực của cuộc vận động này, Hội đồng gia tộc đã đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục những giá trị truyền thống vốn có của dòng họ như yêu nước, thương dân, lao động cần cù, sáng tạo, lo cho con cái được học hành; yêu thương, đoàn kết, gia đình hòa thuận, gắn bó cuộc sống với họ hàng làng xóm, lấy tình nghĩa làm trọng, tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách” trong khó khăn hoạn nạn; hiếu học, hiếu đức, tôn sư trọng đạo, trọng hiền tài, sống thanh bạch “đói cho sạch, rách cho thơm”… Từ đó, con cháu trong tộc phấn đấu làm theo, vừa nối tiếp truyền thống của tộc, vừa tham gia cùng địa phương xây dựng đời sống văn hóa, phong trào hiếu học…

Để triển khai cuộc vận động có hiệu quả, trước hết Hội đồng gia tộc thường xuyên tổ chức các cuộc họp nhằm thi đua thực hiện nếp sống văn hóa và gia đình khuyến học tiên tiến, phòng chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, khuyến khích con cháu chăm học, chăm rèn; ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo...

Tộc Phạm ở Trà Lộ còn tổ chức điều tra thống kê số con cháu đang sinh sống trên các địa bàn phường, xã ở Đà Nẵng, Quảng Nam, nắm chắc tình hình đời sống, hoàn cảnh, khả năng học tập của từng cháu, qua đó tạo điều kiện và động viên khen thưởng kịp thời cho con em trong tộc vươn lên trong học tập và cuộc sống hằng ngày.

Đồng thời, tộc Phạm xây dựng quỹ khuyến học để hằng năm tổ chức khen thưởng cho những học sinh vượt khó học giỏi, trúng tuyển vào đại học, giúp đỡ con cháu có hoàn cảnh khó khăn phấn đấu học hết bậc phổ thông; lập Quỹ Hương hỏa và Quỹ Nghĩa tình để lo hương khói và tôn tạo, tu sửa mộ phần, lo tang hiếu, chúc thọ, trợ giúp gia đình khó khăn, ốm đau lâu ngày…

Tộc Phạm xây dựng và thông qua “Quy chế tổ chức và hoạt động của gia tộc”, trong đó quy định: Mọi thành viên trong gia tộc và tiểu ban Khuyến học phải thường xuyên chăm sóc dưỡng dục thế hệ trẻ trưởng thành; không còn cháu con phạm pháp, thất học... Từ quy chế này, những con cháu, những chi phái đã chấp hành và vận động mọi người thực hiện có hiệu quả. Vì vậy, hằng năm số con cháu có thành tích xuất sắc trong học tập và có những đóng góp lớn cho gia tộc được ghi tên vào sổ vàng, bia đá lưu niệm tại Tổ đường ngày càng nhiều.

Ông Phạm Trọng cho biết: “Từ khi triển khai thực hiện Cuộc vận động “Tộc họ văn hóa”, con cháu trong gia tộc đã có những chuyển biến đáng phấn khởi, cùng nhau thi đua xây dựng gia tộc có nếp sống văn hóa và gia đình hiếu học, số học sinh bỏ học, phạm pháp đã giảm hẳn, một số ít “học không vào” chuyển sang học nghề; ý thức hướng về cội nguồn, góp phần xây dựng dòng họ lớn mạnh đã được nâng lên, tình yêu thương, đoàn kết trong gia tộc càng gắn bó mật thiết hơn”.

Bài và ảnh: NGỌC HÂN

;
.
.
.
.
.