.

Câu ca một thuở còn rưng rức buồn!

.

Trong những ngày nghỉ cuối tuần, tạm xa phố thị ồn ào náo nhiệt, đầy rẫy người, xe, bụi bặm... trở về với làng quê để được hưởng chút không khí trong lành, tĩnh lặng của nông thôn; để được ngắm cánh đồng làng tít tắp tận chân trời với đàn cò trắng phơi mình trong nắng sớm; nhất là lúc chiều về, khi hoàng hôn nhuộm tím cả lũy tre làng, lại được chứng kiến hình ảnh đàn cò lũ lượt rủ nhau bay về phía núi xa xa...

 

Bỗng đâu đây nghe tiếng Vạc kêu đêm, gợi nhớ kỷ niệm man mác thời thơ ấu với lời ru thiết tha của Mẹ:

Cò bay về núi
Vạc mới bay ra
Vạc đứng bờ sa
Lại gặp chú Rái
Hỏi chú (mà) đi đâu
Chú làm chi mà ướt cả cái đầu?

...

Tôi ươn tôi lội cạn
Chú giỏi chú mò sâu chú nhờ!

Lời ru buồn của Mẹ luôn đeo đẳng theo tôi mãi đến tận hôm nay, kể ra cũng đã ngót nghét một phần hai thế kỷ!

Lời ru nói lên thân phận của Vạc; thân phận đó được người nông dân gửi gắm qua câu ca dao:

Vạc ơi! Vạc chẳng biết lo

Bán ruộng cho Cò, Vạc phải ăn đêm

Tôi, người con của bờ tre gốc rạ, mãi bôn ba với cuộc sống thị thành, nay giật mình từ tiếng Vạc kêu đêm, bồi hồi nghĩ lại, đau đáu suy ngẫm tiếng lòng u uẩn của cha ông tự nghìn xưa:

Rõ ràng, Vạc nhà ta cũng đã từng có ruộng hẳn hoi. Nhưng có thể vì hoàn cảnh nghiệt ngã, éo le nào đó, hoặc do số phận đẩy đưa nên phải bán cho Cò để rồi mang cái kiếp lủi thủi kiếm ăn về ban đêm, còn Cò thì ngược lại, được kiếm ăn vào ban ngày? Ở đây câu hỏi đặt ra là Cò có phải là người sở hữu ruộng đã mua của Vạc hay Cò chỉ là “cò” cho người khác?

Nếu Cò là chủ ruộng thì đâu có cảnh:

Cái Cò, cái Vạc cái Nông
Sao mầy dẫm lúa nhà ông hở Cò?

Thật ra, sau khi làm “anh cò” (môi giới) cho người ta mua ruộng của Vạc, Cò cũng chỉ trở thành “anh cò” (cảnh sát) giữ ruộng cho người khác mà thôi! Nếu có chăng, Cò chỉ hơn Vạc là được kiếm ăn vào ban ngày, chứ thân phận của Cò chẳng hơn gì Vạc, đó là thân phận của những “cái Cò cái Vạc” đêm ngày lặn lội nơi đồng cạn đồng sâu, vất vả kiếm ăn từng bữa suốt bốn mùa mưa nắng...

Dưới chế độ phong kiến, khi ruộng đất tập trung vào tay địa chủ, phú nông thì người nông dân dù biết lo hay không biết lo thì thân phận họ làm sao thoát khỏi thân phận của cái Cò, cái Vạc?!

Ôi! Câu ca dao buồn một thuở, nay nghe còn rưng rức...

Mong sao người nông dân quê tôi vĩnh viễn chấm dứt thân phận cái Cò cái Vạc, để câu ca buồn ngày trước chỉ còn là ký ức của một thời dĩ vãng!

Đông Trà

;
.
.
.
.
.