.

Đà Nẵng, xin giữ lại cụm di tích này!

.

Ở phía Nam khu di tích Ngũ Hành Sơn chừng cây số, sát mé biển, là một cụm di tích kiến trúc cũ gồm 3 ngôi miếu nhỏ của cư dân làng chài Tân Trà: Một là lăng thờ cá Ông; một là đình làng, và một là miếu âm linh thờ cúng những người chết biển không tìm được xác. Trong lăng Ông chúng tôi nhìn thấy gần 20 chiếc hòm chứa xương cá voi. Theo ông Mai Sáu, 75 tuổi, thì những chiếc hòm này phần lớn đã có từ trước khi ông sinh ra đời, vài chiếc trong đó chính tay ông cải táng xương cốt cá Ông trôi dạt vào làng biển Tân Trà rồi đưa vào lăng trước sau 1975.

Cụm di tích lăng, đình, miếu của cư dân làng biển Tân Trà.

Chưa được giới chuyên môn của ngành văn hóa để mắt đến, thế nhưng theo cảm nhận ban đầu thì ai cũng thấy rằng các kiến trúc này đã khá xưa cũ và quan trọng nhất là trông thật đẹp. Tất cả có một vẻ cân xứng, hài hòa với cảnh quan và con người Việt Nam như không thể khác. Cứ nhìn vào một số lăng, miếu, đình làng được xây gần đây mới thấy các thước tấc mà người xưa sử dụng là đã từ một tỷ lệ vàng nào đó mà thợ xây dựng hiện nay ít người biết đến, và ngay cả trong giới kiến trúc sư trẻ dường như nhiều người cũng chưa hiểu hết.

Thế nhưng, tất cả đang đứng trước nguy cơ phải đập bỏ!

Toàn bộ gần 20km bờ biển của Đà Nẵng đã được giải tỏa trắng để giao đất cho các dự án du lịch, và làng Tân Trà cũng không là ngoại lệ, mặc dù trước đó đã có ý kiến là nên giữ lại làng cá bãi ngang nhỏ bé này, xem như một sản phẩm du lịch bên cạnh các resort cao cấp. Thế nhưng trước nhu cầu đăng ký resort là quá lớn, 27 ngôi nhà của làng biển cuối cùng này đã phải đập bỏ để dời vào ở trong những căn nhà phố bề ngang 4-5 mét.

Toàn làng đã đi nhưng 3 ngôi miếu đổ nát thì vẫn còn đó, chưa bị đập bỏ, không phải vì nó được nhà đầu tư giữ lại mà đơn giản vì, như người dân Tân Trà nói, nhà thầu chưa dám đụng đến. Nhìn vào bản vẽ của nhà đầu tư chúng tôi không thấy vị trí của 3 ngôi miếu cũ này, có nghĩa là hy vọng nó sẽ được nhà đầu tư giữ lại như một di tích lạ, gây hiếu kỳ với du khách, một sản phẩm lạ so với các resort khác, đã không được nhà đầu tư nhìn thấy. Và cũng có nghĩa là nó sẽ được đập bỏ khi dự án triển khai xây dựng.

Khủng hoảng kinh tế đã giúp những di tích trên còn tồn tại dưới ánh mặt trời thêm một thời gian nữa vì, cũng như hầu hết các dự án du lịch khác ở Đà Nẵng, tất cả đều dừng lại chưa biết đến lúc nào. Thế nhưng nó sẽ mất, như nhiều di tích quan trọng hơn cũng đã mất, chỉ tiếc là tiếc cho các sinh viên kiến trúc sẽ mất đi một giáo cụ trực quan về các chuẩn mực trong xây dựng kiến trúc của cha ông ta ngày xưa.

Đà Nẵng, xin hãy giữ lại những ngôi miếu xinh đẹp này!

Hồ Trung Tú

 

;
.
.
.
.
.