Tiểu thuyết Thái Bá Lợi do Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành là một tuyển tập bao gồm các tác phẩm: Bán đảo, Trùng tu, Khê Mama, Họ cùng thời với những ai. Đây là một trong những tác phẩm được thực hiện theo kế hoạch “Sách Nhà nước đặt hàng” trong năm vừa qua.
|
Ngay từ những truyện ngắn đầu tiên: Những người đánh giáp lá cà, Vùng chân Hòn Tàu, Đồng đội của Phú, Rừng quế, Quê hương... viết ra trong chiến tranh, sau này tập hợp lại thành tập sách đầu tay Vùng chân Hòn Tàu (Nxb QĐND, 1978), anh đã được người đọc quan tâm, bởi sự giàu có về vốn sống, những hiểu biết cặn kẽ về vùng đất và con người, chiến trường và người lính...
Sau ngày hòa bình, trước khi bắt tay vào viết tiểu thuyết, Thái Bá Lợi lại gây nên một sự chú ý với truyện vừa Hai người trở lại trung đoàn (1978). Tác phẩm này mang vóc dáng của một tiểu thuyết thật sự, không phải vì số trang mà vì dung lượng hiện thực dồn nén trong tác phẩm. Khi đọc nó, nhà văn Nguyên Ngọc đã phải nêu nhận xét: “... Anh biết mười chỉ để viết có một. Chỉ có những người thật sự giàu có vốn sống, am hiểu sâu, tường tận, ngồn ngộn điều mình đang viết mới viết được như vậy”.
Thật vậy, Thái Bá Lợi vẫn thường nói, cần gì đến hàng ngàn trang, vài câu hay vẫn lưu danh được. Do đó, ai muốn dài hơi, muốn sử thi thì cứ dài hơi, cứ sử thi; riêng anh tiểu thuyết hiện đại cứ phải ngắn mới phù hợp với nhịp sống hiện đại. Qua tuyển tập Tiểu thuyết Thái Bá Lợi, một lần nữa, bạn đọc có dịp nhận ra, anh đã thể hiện điều này khá nhất quán xuyên suốt quá trình sáng tác của mình.
Với Họ cùng thời với những ai và Bán đảo, tác giả xáo tung ra rồi cắt dán xoay quanh chủ thể trần thuật. Trong đó, Bán đảo nhằm vào những quan hệ con người sau chiến tranh bằng cái nhìn tỉnh táo hơn, trầm tĩnh hơn. Còn với Trùng tu anh cho truyện lồng trong truyện, thời gian và không gian giữa chiến tranh và thời bình đồng hiện, đan xen lẫn nhau, đồng hành với nhau. Đến Khê mama tác giả quay lại theo trật tự thời gian trần thuật, và ở đây lại là truyện không có truyện, không có thời gian, không gian, sự kiện nào đáng chú ý, không có câu chuyện nào kể lại được, nhưng vẫn tìm thấy các tính cách rõ rệt.
Đáng chú ý, phần lớn, tác phẩm của Thái Bá Lợi ít dàn dựng một câu chuyện có mở đầu, có diễn biến, có kết thúc một cách trọn vẹn, rạch ròi. Thậm chí, một nhà lý luận cho rằng: “Ở Thái Bá Lợi, tôi không e ngại chất giọng và thái độ khách quan, nhưng tôi ngại cái ý truyện khi bị giấu quá kín (hoặc không dám nói ra cho đủ rõ)”. Hoặc theo cách nhìn thực tiễn của nhà thơ Thanh Thảo “Nó không thật rõ ràng, nhiều lúc nó có vẻ không văn xuôi lắm. Anh dường như là người viết chậm, cứ để những câu văn tự chín trong đầu rồi mới từ từ viết ra.
Viết như thế không kinh tế thị trường, mà hơi giống cách của người làm vườn. Làm vườn bây giờ thì hầu như thu nhập thấp. Tôi nghĩ Thái Bá Lợi đã chấp nhận thu nhập thấp trong văn chương. Anh trùng tu ngôn ngữ theo cách của anh, không chịu bê-tông hóa hay xi-măng hóa cho nhanh, cho xong béng. Anh cứ từ từ, nhiều lúc nhẩn nha đến sốt cả ruột. Nhờ vậy, tôi và nhiều người mới có dịp đọc những tiểu thuyết mong mỏng như Bán đảo hay Trùng tu. Dù bây giờ nói thật, tôi cũng chưa rõ Thái Bá Lợi định trùng tu cái gì? Ký ức chiến tranh hay ngôn ngữ của chính anh. Có lẽ cả hai, mà có khi lại là cái khác. Thái Bá Lợi thường không rõ ràng như vậy. Cả trong đời lẫn trong văn”.
Dù vậy, tuyển tập Tiểu thuyết Thái Bá Lợi có thể được xem như khép lại nơi nhà văn một giai đoạn cầm bút của thời trai trẻ, với những cuộc hành trình đi tìm chính mình không mệt mỏi... Bởi trong nay mai, Thái Bá Lợi sẽ ra mắt cuốn Tiểu thuyết Minh sư - một tác phẩm về đề tài lịch sử, gắn liền với mảnh đất Quảng Nam thời kỳ chúa Nguyễn, mang sắc thái hoàn toàn khác trước mà anh đã khởi viết trong suốt 5 năm qua.
TRẦN TRUNG SÁNG