.

Hai tri kỷ người Quảng

.

Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng là hai nhân vật kiệt xuất của Quảng Nam, là linh hồn của phong trào Duy tân và phong trào chống sưu thuế nổ ra ở Quảng Nam vào đầu thế kỷ XX.

Chân dung Huỳnh Thúc Kháng.   

Phan Châu Trinh sinh năm Nhâm Thân (1872), lớn hơn Huỳnh Thúc Kháng 4 tuổi, là người phủ Hà Đông. Phan Châu Trinh sinh ở làng Tây Lộc, huyện Tam Kỳ; Huỳnh Thúc Kháng sinh ở làng Thạnh Bình, huyện Tiên Phước.

Không chỉ là đồng hương, hai ông từng là đồng môn với nhau ở trường làng Đại Đồng, khi Phan Châu Trinh 19 tuổi và Huỳnh Thúc Kháng 15 tuổi. Sau đó, hai ông cùng học trường tỉnh do Đốc học Trần Đình Phong giảng dạy (Trần Đình Phong là Tiến sĩ người Nghệ An, nổi tiếng hay chữ và sư phạm mẫu mực, người đã từng đem về cho Quảng Nam danh hiệu “Ngũ phụng tề phi” trong kỳ thi năm 1898 với 5 người đỗ Tiến sĩ và Phó bảng). Nơi đây, hai ông được làm quen với Trần Quý Cáp và sau này cả ba đã trở thành ba nhân vật kiệt hiệt nhất của phong trào Duy Tân.

Năm 1900, hai ông cùng đỗ cử nhân kỳ thi Hương tại hội đồng thi Thừa Thiên, Huỳnh Thúc Kháng đỗ đầu, Phan Châu Trinh đỗ thứ ba. Năm sau, Phan Châu Trinh đỗ Phó bảng, Huỳnh Thúc Kháng thi rớt. Đến khoa thi Giáp Ngọ (1904) Huỳnh Thúc Kháng đỗ đầu Tiến sĩ. Là bạn học, hai ông đã rất thân thiết với nhau, nhưng chỉ sau khi hoàn tất mộng khoa cử, hai ông mới thực sự trở thành đồng chí. Phan Châu Trinh từ quan, Huỳnh Thúc Kháng không chịu ra làm quan. Cả hai cùng hết lòng cho phong trào Duy Tân.

Năm 1905, hai ông cùng với Trần Quý Cáp thực hiện chuyến “Nam du”. Khi vào đến trường thi Bình Định, cả ba cải trang giả làm sĩ tử vào dự kỳ sát hạch. Phan Châu Trinh làm bài thơ “Chí thành thông thánh”, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp viết bài phú “Lương ngọc danh sơn”, mượn đề thi để nói lên cảnh cá chậu chim lồng của đất nước, đả kích chế độ khoa cử, làm rúng động cả trường thi lúc bấy giờ.

Năm 1908, phong trào chống sưu thuế ở Quảng Nam sôi sục, sau đó lan ra cả miền Trung. Phan Châu Trinh bị Pháp và Nam triều bắt ở Hà Nội đưa về giam ở nhà lao Thừa Phủ (Huế) và bị kết án “trảm giam hậu, lưu tam thiên lý, ngộ xá bất nguyên” (chém nhưng giam lại, đày xa ba ngàn dặm, gặp ân xá cũng không cho về) và đày ra Côn Đảo. Huỳnh Thúc Kháng bị bắt ở quê nhà, giam ở nhà lao Hội An và kết án chung thân đày ra Côn Đảo. Phan Châu Trinh bị đày ra Côn Đảo trước, vào tháng 4-1908. Ba tháng sau, Huỳnh Thúc Kháng và các chí sĩ cách mạng khác của phong trào Duy Tân mới ra.

Huỳnh Thúc Kháng từng tự nhận mình là “một anh học trò, gốc sanh trưởng nhà nông nghèo trong thôn quê, đã là cái hoàn cảnh phác dã thô dụng, khô khan, quê kệch, gia dĩ trời phú ham mê về sự học, nửa đời người tôi, ngoài thơ văn sách vở ra, gần như không có cái gì gọi là mỹ cảm”. Phan Châu Trinh đã nhạo bạn bằng một bức hoạt họa “Khách lai vô thoại chỉ đam thư” (Khách đến không nói chỉ mê sách).

Lễ tang Phan Châu Trinh tại Sài Gòn.   (Ảnh tư liệu)

Gặp lại nhau ở Côn Đảo, cả hai nhìn sững nhau. Mới ngoài ba mươi mà tóc của Huỳnh Thúc Kháng bạc hết gần một nửa, còn Phan Châu Trinh thì đã rụng hai cái răng. Rồi chẳng biết nói gì, cả hai nhìn nhau cười ha hả. Huỳnh Thúc Kháng ứng tác bài thơ tứ tuyệt: “Khả liên cụ thị đáo Côn Lôn/ Bỉ thử sâm thương kỷ hiểu hôn/ Ngã phát thương thương quân xỉ lạc/ Tương phùng nhất tiếu lưỡng vô ngôn”. Về sau, bài thơ được chính Huỳnh Thúc Kháng dịch ra quốc ngữ trong “Thi tù tùng thoại” in năm 1939: “Kiếp tù chung một cõi ven trời/ Hai ngã sâm thương cách mỗi nơi/ Tóc tớ bạc phơ, răng bác rụng/ Gặp nhau không nói, ngó nhau cười”.

Hiểu nhau quá rồi, còn nói gì nữa. Cười một tiếng, thế thôi!

Phan Châu Trinh, nhờ sự vận động của Liên minh Nhân quyền, được phóng thích vào tháng 6-1910, nhưng bị quản thúc ở Mỹ Tho, gần một năm sau sang Pháp cho đến năm 1925 mới về nước. Còn Huỳnh Thúc Kháng bị giam cho đến năm 1921 mới được về.

Phan Châu Trinh mất ngày 24-3-1926, an táng tại Sài Gòn; Huỳnh Thúc Kháng mất ngày 21-4-1947, an táng trên núi Thiên Ấn, tỉnh Quảng Ngãi. Không được an nghỉ nơi chôn nhau cắt rốn, cả hai ông đều lấy Đất Nước làm quê hương.

Khi Phan Châu Trinh mất, Huỳnh Thúc Kháng làm câu đối bằng chữ Hán khóc người đồng chí, đồng hương, đồng môn và cũng chính cụ Huỳnh dịch sang quốc ngữ: “Cách mặt hai mươi năm, lại gặp ông mấy tiếng đồng hồ, than ôi bệnh đã liệt giường, người cũ trông nhau còn mỉm miệng/ Mối thù chung cả nước, cho đến chết không thay chánh kiến, ngán nỗi thơ lưu đầy tráp, đèn khuya ôn lại biết cùng ai?”.

Cuộc đời và sự nghiệp của đôi tri kỷ xứ Quảng này đã để lại cho hậu thế biết bao bài học làm người.

Lê Thí

 

;
.
.
.
.
.