Với nữ họa sĩ Văn Dương Thành, danh họa Bùi Xuân Phái không chỉ là người thầy, mà còn là một người bạn thân thiết, một người chú, người bác. Chị tự hào là người được danh họa họ Bùi vẽ ký họa đến 300 bức. Người vẽ về Bùi Xuân Phái cũng nhiều, trong đó Văn Dương Thành vẽ không dưới 50 bức, với những cảm xúc dạt dào. Và chị sẽ còn vẽ nữa.
|
Trong một bài viết, Văn Dương Thành đã nói về Bùi Xuân Phái: “Ông Phái là người Hà Nội “nguyên chất”. Trong tranh ông, người ta nhận thấy chất tinh túy, thanh nhã, sang trọng của văn hiến Thăng Long. Con người nổi tiếng ấy rất giản dị trong bộ áo sơ-mi màu xám nhạt, đạp chiếc xe đạp Đức cũ kỹ lọc cọc dạo quanh các đường phố nhỏ có những mái ngói mũi hài rêu phong mốc thếch ở Hàng Thiếc, Hàng Mắm, ngõ Phất Lộc... Dáng người cao mỏng manh, mớ tóc thưa dài lất phất khuôn mặt thanh thoát, đôi mắt lớn sâu thẳm đượm buồn... Cái mũi dọc dừa, râu ria muối tiêu đóng khung quanh cái miệng luôn mỉm cười hóm hỉnh”.
Với nghệ thuật, ông nghiêm khắc và không khoan nhượng. Như thế, khi vẽ chân dung, Văn Dương Thành lột tả được một chân dung về một người, có cảm xúc thực sự. Vẽ về Phái, Văn Dương Thành dùng cả mực nho, sơn dầu với các kích cỡ to nhỏ khác nhau. Có thể nói, ký ức của Văn Dương Thành gắn với Hà Nội, mà Hà Nội thì không thể không nhắc đến Phái và phố Phái. Văn Dương Thành chưa bao giờ học Bùi Xuân Phái ở trường học, nhưng chị được học nghệ thuật của ông, nghề nghiệp của ông. Với chị, Bùi Xuân Phái là một giá trị nghệ thuật, khi nhắc đến ông chỉ cần nói một chữ: Phái!
Bức ấn tượng thứ nhất vẽ chân dung mang tên “Đôi mắt Bùi Xuân Phái” được Văn Dương Thành vẽ bằng màu nâu nhẹ, màu gần gũi với Bùi Xuân Phái. Cả bức tranh chỉ có mỗi màu nâu, nhưng những vệt dày mỏng của nét bút khiến cho người xem cảm giác nhiều màu. Nhìn khuôn mặt, ánh mắt ông Phái sáng rực, sâu sắc như mắt Vangogh.
Lại có cái nhìn đăm đăm, xa xăm như cái nhìn của Picasso, đượm buồn nhưng đầy nhân ái. Rất nhiều người muốn diễn tả đôi mắt, khuôn mặt của Phái. Văn Dương Thành là một trong những người vẽ thành công. Bức màu nâu chị vẽ Bùi Xuân Phái đội mũ, chiếc mũ mà ông rất thích. Chiếc mũ là quà tặng của Văn Dương Thành gửi về từ Thụy Điển. Bùi Xuân Phái đã đội suốt kể cả mùa hè. Sau này ông mất, vợ danh họa đã đặt chiếc mũ đó vào quan tài, để ông mang theo.
Bức ấn tượng thứ hai có gam màu xanh. Màu xanh cũng là màu Phái thích. Sinh thời, Bùi Xuân Phái rất thích màu xanh da trời và màu xanh của biển. Ông hay ngồi vẽ ở bờ biển mỗi khi có dịp ra biển Hải Phòng, Thanh Hóa. Có những bức ông chỉ dùng gam màu xanh. Ở bức tranh này, Văn Dương Thành cũng khắc họa đôi mắt, nhưng hoàn toàn khác bức trước. Văn Dương Thành dùng màu xanh để gợi lại hoài niệm, mỗi khi nghĩ về thầy. “Tôi lấy màu yêu thích nhất của ông để vẽ chân dung ông.
Họa sĩ Văn Dương Thành. |
Mấy chục năm làm bạn, ký ức về Bùi Xuân Phái không bao giờ vơi cạn trong lòng người nữ họa sĩ đa tài. Từ khi mới gặp cho đến lúc thân thiết, ngoài ngưỡng mộ tài năng của một người thầy, Văn Dương Thành có biết bao kỷ niệm vui buồn. Mà với Văn Dương Thành, những kỷ niệm đó, ký ức đó là nguồn cảm hứng, là động lực để chị vẽ tiếp. Văn Dương Thành tâm sự: “Hồi nhỏ, khi chưa gặp bác Phái, tôi đã dành tiền ăn sáng, mua báo Văn nghệ rồi cắt tranh của bác dán vào sổ.
Chân dung Bùi Xuân Phái do Văn Dương Thành vẽ. |
Những năm 1975 đến 1980 họa phẩm còn rất khan hiếm. Bùi Xuân Phái ít có đủ toan và màu để vẽ. Văn Dương Thành học theo ông đi kiếm những tấm bìa các-tông cắt ra. Văn Dương Thành nấu keo da trâu cho loãng ra và quét lên những mảng bìa, sau đó quét thêm một màu trắng tự trộn với dầu lanh. Miếng bìa làm xong thường cong queo như bánh tráng nướng. Nhưng ông Phái không quản ngại vẽ lên những tấm bìa tự tạo đó. 13 năm sau khi ông qua đời, vào năm 1999, những miếng bìa ấy đã lộng lẫy tỏa sáng ở Viện bảo tàng Louvre của thủ đô Paris, cũng như ở các hãng đấu giá của châu Âu.
Nhiều bức Văn Dương Thành vẽ Bùi Xuân Phái cách đây mấy chục năm, bây giờ chị vẫn muốn vẽ tiếp để tặng cho gia đình danh họa. Bởi vì cảm hứng vẽ về Phái là vô tận với chị. Khi tôi hỏi, hẳn là danh họa Bùi Xuân Phái có ảnh hưởng rất lớn đối với con đường nghệ thuật của chị. Văn Dương Thành trả lời rằng, không chỉ riêng chị, rất nhiều người được ảnh hưởng bởi họa sĩ bậc thầy Bùi Xuân Phái. Chị học được ở ông niềm đam mê hội họa, cống hiến hết mình cho nghệ thuật, cho cái đẹp và sự sáng tạo. Chẳng thế mà, với vóc dáng nhỏ nhắn như vậy, sức làm việc của Văn Dương Thành đôi khi vượt qua cả người đàn ông.
NGUYỄN VĂN HỌC