.

Hồn nhiên em hát dân ca

.

Qua lời giới thiệu của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang, tôi tham gia học một lớp dân ca cùng các em lớp 6, Trường THCS Nguyễn Phú Hường (Hòa Tiến, Hòa Vang). Những điệu lý: Lý vãi chài, Lý thiên thai, Lý vọng phu, Du xuân... vốn không dễ ngân nga đối với người lớn, lại thánh thót tự nhiên từ miệng những em học sinh mới 12 tuổi.

“Dân ca hay hơn nhạc trẻ”

Giờ ra chơi, trò hồn nhiên hát dân ca, giọng tươi trong, thơ trẻ.

Theo hướng dẫn của  anh Hồ Thanh Châu và anh Phạm Hồng Thái (đều là cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin Hòa Vang), tôi và các cô, cậu bé tròn môi bắt nhịp. Với những bài cũ, lớp hát qua cái vèo. Chỉ thỉnh thoảng thầy mới dừng lại nhắc lỗi. Với bài mới, thầy chỉ dạo qua hai lượt, lớp đã hát theo khá chuẩn.
 
Trong khi tôi hụt hơi vì không tài nào ngân được những chỗ khó, thì các em cứ tự nhiên luyến láy. Trên bục, giọng thầy mượt mà, đằm thắm bao nhiêu, thì dưới lớp, giọng trò lại thánh thót tươi trong bấy nhiêu. Chốc chốc, tranh thủ những phút nghỉ giữa hai bài, tôi xoay trái, xoay phải hỏi: “Thấy sao? Khó không?”, “Có thích không?”. Cô bé Đinh Thị Quỳnh Như (lớp 6/3), rồi cậu bé Trần Quốc Thịnh (lớp 6/2) đều chung ý kiến: “Dạ thích chớ. Mới đầu khó. Nhưng chừ quen rồi. Dễ lắm!”.

Lý do đưa các cô, cậu bé khối lớp 6 trường này đến với lớp học rất ngẫu nhiên: được thầy dạy nhạc chọn vì có giọng tốt, cảm âm tốt. Trong lúc nhiều học sinh thành phố mải mê với nhạc trẻ, thì những cô, cậu bé lớn lên từ miền quê lại đặc biệt thích những làn điệu dân ca truyền thống. Giờ ra chơi, mấy chục trò nhỏ xúm lại quanh tôi, tranh nhau nói:

“Tụi con thích những bài ni vì hắn nói về quê hương”, “Vì gần gũi với đời sống”, “Vì hồi nhỏ con hay nghe ông bà hát”... Không ai bảo ai, khi nghe tôi hỏi: “Nhạc trẻ với nhạc dân ca, nhạc nào dễ hát hơn, nhạc nào hay hơn?”, mấy chục em đồng thanh: “Nhạc dân ca”. Lý do yêu dân ca có vẻ khá đơn giản, mà mục đích áp dụng xem chừng cũng rất thơ ngây: “Học để hát cho mẹ nghe”, “Để ru em”, “Để hát khi buồn”, v.v... Không cần nhìn lời, các em cũng “biểu diễn” một lúc mấy bài khó như Lý Đồng Nai, Lý vãi chài... và hát thêm Lý chiều chiều, Lý cây bông, Đi cấy... vốn không có trong chương trình học cho tôi thưởng thức.

Thầy bất ngờ vì trò tiếp thu quá nhanh

Thầy dạy dân ca bất ngờ vì trò tiếp thu rất nhanh.

Là những người trực tiếp đứng lớp, anh Châu, anh Thái đều tỏ ra bất ngờ vì khả năng tiếp thu của các em rất nhanh. “Ở tuổi này trước đây, chúng tôi tiếp thu chậm hơn các em rất nhiều”, anh Châu nhận xét. Theo thầy dạy nhạc Nguyễn Ngọc Oanh, học sinh cấp 2 với lợi thế trí nhớ âm nhạc tốt, âm vực trong giọng hát rộng hơn học sinh tiểu học, và có nhiều thời gian rảnh là đối tượng thích hợp nhất cho việc dạy hát dân ca. Tuy ở độ tuổi này, các em chưa thể xử lý các làn điệu một cách trau chuốt, nhưng “chất mộc” trong tiếng ca lại khiến giọng hát mang âm hưởng tươi trong, dễ thương.

Thầy Oanh cho hay: “Đây là một trong 3 trường được Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang chọn dạy dân ca theo chương trình “Đưa dân ca vào học đường” từ tháng 3 năm nay, giúp các em hát được làn điệu truyền thống của người miền Trung và am hiểu thêm về mảnh đất mình sống. Hai trường kia là Nguyễn Bá Phát (Hòa Liên) và Trần Quốc Tuấn (Hòa Phong)”.

Anh Thái cho biết thêm, huyện sẽ tổ chức nghiệm thu chương trình ở 3 trường vào khoảng cuối tháng 6. Từ đây đến đó, ngoài 10 làn điệu dân ca khu 5 này, các em sẽ được học thêm về hát bài chòi.  Theo hy vọng của những người thầy này, biết đâu một trong số hơn 100 học sinh của 3 trường sẽ trở thành những nghệ sĩ hát dân ca miền Trung không ai sánh được...

Bài và ảnh: HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.