.
Khai mạc Lễ hội Quảng Nam-Hành trình Di sản 2009:

Sống dậy đền tháp ngàn năm

.

(ĐNĐT) - “Ấn tượng một chặng đường” là chủ đề buổi khai mạc Lễ hội Quảng Nam-Hành trình di sản lần IV-2009 diễn ra tại Thánh địa Mỹ Sơn, Quảng Nam vào đêm 4-6. 

Một sân khấu gần như “không sân khấu” hiện ra huyền ảo với những đền tháp cổ và ánh sáng làm nền. Tầng tầng lớp lớp ánh sáng trong các sắc tím, hồng nhạt, đỏ gạch phủ lên vương quốc đền tháp một màu huyền ảo, óng ánh.

Mỹ Sơn huyền ảo trong đêm khai mạc Lễ hội Quảng Nam-Hành trình di sản 2009. Ảnh: N.Q

Mở đầu, tổ khúc múa “Tiếng vọng Mỹ Sơn” với chuỗi liên kết gồm 3 phần, tái hiện lại khung cảnh của Vương quốc Champa một thời tráng lệ: “Siva huyền thoại”, “Vũ khúc Apsara” và “Đánh thức Mỹ Sơn”. Lời gọi ngỗng thần Hamsa, bò thần Nanđin, chim thần Garuđa… về tề tựu dưới trướng vị thần Siva – tượng trưng cho sự hủy diệt với sức mạnh vô song để tái tạo và bảo vệ cho cuộc sống muôn loài và quyền lực tối cao trong tâm thức Champa.

Trong ánh lửa rực rỡ cùng làn sương khói mờ, Siva xuất hiện rồi từ từ chuyển động theo từng thanh âm của tiếng nhạc. 13 vũ nữ apsara hiện ra uyển chuyển theo tiếng trống baranung thúc giục lòng người.

Tiếp đó, các diễn viên nam với những động tác mạnh mẽ dần kết thúc tổ khúc. Suốt màn diễn, tiếng của các nhạc cụ truyền thống Champa là trống baranung, ghinang và kèn saranai cứ rộn rã, những nam thanh nữ tú mặc trang phục truyền thống với nụ cười rạng ngời làm Mỹ Sơn ngàn năm như thức dậy.

Điểm nhấn thứ hai của đêm khai mạc là sự tái hiện Lễ hội Lệ Bà Thu Bồn (thường được tổ chức vào tháng 2 âm lịch hằng năm bên dòng sông Thu Bồn), với đội lân và một kiệu rước đi tiên phong, cùng 5 kiệu Ngũ Hành tiên nương theo sau.

Sau những điệu múa, câu hò thể hiện vẻ đẹp của Hội An, Duy Xuyên… với những nghề truyền thống như dệt lụa, lồng đèn…, một không gian Tây Giang lại bất ngờ xuất hiện trong thanh âm cồng chiêng Cơtu.

Tiếp nối chương trình, tiết mục của các bạn Lào đến từ tỉnh Champasak đã “kể” cho khán giả nghe một câu chuyện tình yêu bằng âm nhạc, dáng điệu, lời ca. “Chuyện” kể về đôi lứa thuộc một bộ tộc Nam Lào, vì không đến được với nhau, họ đã nhảy xuống thác quên mình. Đây đồng thời là sự tích về ngọn thác lớn nhất ở Champasak.

10 năm hành trình cùng hai di sản, các lễ hội ở Hội An, Mỹ Sơn vẫn tiếp tục là không gian hấp dẫn, thu hút du khách trong nước và thế giới…

Trước đêm khai mạc, sáng 4-6, ngoài hoạt động ấn tượng là cuộc diễu hành “Xe cổ với hành trình di sản” với gần 300 chiếc xe cổ các loại và 2 Hoa hậu thế giới, hàng loạt các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội đã chính thức diễn ra tại Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên như: các triển lãm ảnh về Hội An, giải đua thuyền truyền thống Quảng Nam 2009, Hội chợ làng nghè truyền thống…

H.NHUNG-H.VANG

;
.
.
.
.
.