Làng Thanh Tú, nay thuộc xã Điện Thắng Bắc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam chuyên nghề làm cót - một trong những nghề thủ công có lịch sử lâu đời xứ Quảng. Tương truyền, nghề truyền thống này đã theo chân các tộc tiền hiền Trần Tất, Lê Khắc từ Thanh Hóa vào Quảng Nam hồi cuối thế kỷ XVI. Đặc biệt, hồi đầu thập niên 1940, người dân làng cót từng thảo một lá đơn gửi phát xít Nhật. Chuyện khá thú vị và hấp dẫn...
Nguyên bấy giờ, phát xít Nhật chủ trương tổ chức rào sân bay Đà Nẵng. Biết tiếng người dân làng Thanh Tú chuyên đan cót tre, chúng bèn ra lệnh trong vòng một tháng, dân làng bằng mọi cách phải cung cấp đủ cót để chúng làm bờ rào. Sân bay Đà Nẵng rộng mênh mông, chỉ trong một tháng, lấy cót đâu đủ cung cấp cho chúng? Một yêu cầu quá sức. Nhưng, bọn Nhật đã ra lệnh, chẳng phải chuyện chơi.
Hồi làm sân bay Thanh Quýt, dân quen gọi là Trảng Nhật, dân đi phu hễ lơ tơ mơ là bị chúng đánh không thương tiếc. Cho nên, nghe tiếng bọn Nhật, ai cũng sợ. Sau khi nhận được “lệnh”, tất thảy quan viên trong làng đều lo sốt vó. Họ tổ chức họp, bàn tới bàn lui nhưng không tìm được cách gì. Mỗi gia đình một ngày giỏi lắm làm hai tấm cót là cùng, lấy chi cho đủ số? Lý trưởng, hương trưởng và các bậc kỳ lão trong làng bàn hết nước mà vẫn bí, chỉ biết nhìn nhau thở dài thườn thượt. Chuyện này coi vậy mà căng.
Trong lúc làng đang họp, có một thanh niên trên hai mươi tuổi tên là Lê Tất Lữ, con của lý trưởng Lê Tất Tuất, nghe lỏm được. Vốn tính khí khảng khái, anh đang dọn mấy bụi tre, bèn nói vọng vào: “Chi có chuyện nớ mà mấy bác với cha lo dữ rứa?”. Ngồi ở trong, ông Hương Bộ, còn gọi là ông Hương Mân, nạt:“Mi con nít biết chi!”. Lữ nói ngay: “Chớ Trần Quốc Toản trẻ rứa mà còn bóp quả cam nát nữa là...”. Ông Cửu Ninh, cũng là người có vai vế khá quan trọng của làng, không biết nghĩ sao liền gọi: “Nè, Lữ, mi có kế chi hay vô đây nói mấy bác nghe thử đi”. Lữ đáp lại: “Bác cứ bói ông Hương Mân đi. Ổng bảo con con nít, biết chi. Rứa con nít, bác kêu con chi?”. Ông Cửu Ninh gạt: “Ông Hương Mân ổng nói chớ bác có nói mô. Thôi, con vô đi...”.
Mặc cho ông Cửu Ninh nài nỉ, anh vẫn không chịu. Thấy vậy, cha anh, ông Lý Tuất bảo: “Ở đây toàn bà con làng xóm cả, nói nghe thử con có kế chi?”. Nghe cha nói, Lữ ngoan ngoãn vâng lời: “Cha đang làm lý trưởng, con thương cha, con vô... Coi như con giúp cha, cũng như giúp làng. Về chuyện làm cót cho bọn Nhật, con nghĩ, bây chừ mình làm một lá đơn, xin quan phủ Điện Bàn lệnh cho các nơi có biền tre dọc sông bán lại cho làng. Loại tre ấy tuy không tốt nhưng chẻ nhanh lắm, đan cót cũng nhanh. Làng cứ làm, rồi ngày mô cũng có cót để nộp. Bọn Nhật biết mình có làm có nộp, làm chi giết mình mà sợ?”.
Nghe Lữ phân tích có tình có lý, mọi người đều tán thành. Thay mặt làng, ông Lý Tuất bảo con trai: “Con làm luôn cái đơn ấy đi”. Lữ vẫn còn đưa đẩy: “Ba nói ông Hương Mân, ổng biết chữ, để ổng làm đơn”. Lúc ấy, ông Hương Mân mới xen vào: “Thôi đi Lữ, tao lỡ lời một chút, nói chi nói hoài rứa mi”. Lúc này anh mới nguôi ngoai, bắt tay vào việc thảo đơn. Đại ý, khi nhận được lệnh của Nhật, làng Thanh Tú có tổ chức bàn bạc nhưng thấy khó quá. Khó nhất là nguồn tre, rồi thời gian hoàn thành. Cho nên, làng thỉnh cầu phủ can thiệp với các xã có tre bán cho làng. Thứ hai, thời hạn một tháng quá gấp, làng không thể làm kịp, xin cho nới nới ra...
Thảo xong đơn, anh Lê Tất Lữ mặc áo dài, đội nón Gò Găng đi đến phủ đường Điện Bàn. Thấy tên lính lệ đứng gác ơ hờ, anh luồn người xuống, định lẻn vào. Tên lính lệ nhanh tay núm cổ áo anh lại, kéo ra. Anh năn nỉ: “Thưa thầy, thầy cho vô gặp quan lớn”. May ngay lúc đó ông Khổng Trung Lộ, tri phủ Điện Bàn, nhận ra anh. Số là, cha anh làm lý trưởng nhiều lần dẫn anh vào nên ông Khổng Trung Lộ quen mặt. Ông hỏi: “Cậu tới làm chi đó?”. Nghe gọi, anh mừng rỡ, nhanh chân đến đưa lá đơn. Đọc xong, viên tri phủ hỏi: “Chớ cha mô mà con phải đi?”. Anh đáp: “Dạ, cha bị đau, chuyện ni quá gấp, con phải đi thế”. Ông Khổng Trung Lộ gật gù.
Nhờ lá đơn ấy, dân làng Thanh Tú có đủ tre để đan cót nộp cho bọn Nhật đúng thời hạn. Chỉ có điều, tre quá xấu nên cót, tất nhiên, mục và hư rất nhanh.
PHẠM HỮU ĐĂNG ĐẠT