.

Lệ tặng “cúp” thể thao

.

Lệ tặng “cúp” thể thao

* Xin cho biết, lệ trao “cúp” trong thể thao có xuất xứ từ đâu? (Nguyễn Quảng, Hải Châu, Đà Nẵng).

Trao Cúp cho đội quán quân đã trở thành một tục lệ đẹp trong thể thao.  (Ảnh: VTL)

- Lệ này xuất phát từ nước Anh. Truyền thuyết nước này kể rằng, vào nửa sau thế kỷ X, ngày nọ, vua nước Anh đến thăm em trai trong một buổi lễ trân trọng. Nhà vua đang ngồi trên lưng ngựa thì có một người đến dâng rượu, vua chưa kịp uống thì bị một thích khách ở sau lưng đâm cho một mũi dao. Vua qua đời ở tuổi 15 vì một âm mưu ám muội.

Người em kế thừa ngôi báu. Tuy vẫn chưa có ai chứng thực được rằng người em có can dự vụ mưu giết anh mình hay không, song tấn thảm kịch này đã để lại cho mọi người những ý nghĩa răn dạy sâu sắc.

Từ đó, để đề phòng những điều đáng tiếc, người Anh mỗi khi tổ chức tiệc rượu đã nảy sinh một nghi thức mới. Chủ nhân dùng hai tay cầm một vại rượu có hai tai, các khách mời cũng dùng hai tay nhận lấy vại rượu và luân lưu cùng uống. Người nào đến lượt uống thì đứng vào giữa, những người còn lại đều đứng vây quanh để đề phòng có kẻ mưu sát từ sau lưng. Vại rượu luân chuyển giữa các tân khách như thế đã trở thành “vại rượu tình yêu” tượng trưng cho tình hữu nghị và tin tưởng, được coi là lễ vật quý báu mà chủ nhân tặng cho người khách được tôn quý nhất.

Vốn say mê các hoạt động thể dục thể thao, người Anh sau khi kết thúc các cuộc tranh tài đều tổ chức một bữa tiệc và tặng “vại rượu tình yêu” chúc mừng người thắng cuộc. Về sau việc này dần dần biến thành một tục lệ, cúp thể thao bắt nguồn từ chính bình “vại rượu tình yêu” đó. Nó biểu thị cho sự hoan nghênh, ái mộ và chúc mừng đối với kẻ chiến thắng.

Dâu ông, tằm bà

* Trong lúc trà dư tửu hậu, một giáo viên bạn tôi nói rằng câu “Râu ông nọ cắm cằm bà kia” là không chuẩn, nói đúng phải là “Dâu ông nọ chăn tằm bà kia”. Vậy là thế nào, xin quý báo giải thích giùm? (Trần Hoàng Trúc, Hội An, Quảng Nam).

- “Râu ông nọ cắm cằm bà kia” đã được nhiều tác giả đưa vào các từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam với nghĩa phổ thông là chê việc chắp vá, gán ghép bộ phận của cái này vào một cái khác một cách khập khiễng, hoàn toàn không phù hợp.

Tuy nhiên, trong bài viết “Sử dụng thành ngữ, tục ngữ trên báo chí” đăng trên trang web vietnamjournalism.com mới đây, tác giả giải thích điều này như sau:

“Câu nhiều người hay nhầm lẫn nhất có lẽ là: “Dâu ông nọ chăn tằm bà kia” nói thành “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Câu trên ý muốn phê phán sự cố tình nhầm lẫn để hưởng lợi vì lấy lá dâu của ông này cho tằm của bà kia ăn là hợp lý nhưng trải qua thời gian bị biến dạng, sai như cách nhiều người hiện nay đang dùng”.

Nói thêm, cũng theo trang web này, gần đây báo chí đã sử dụng thành ngữ, tục ngữ thường xuyên hơn, làm cho ngôn ngữ báo chí sinh động và gần gũi với bạn đọc hơn. Nhưng do nhiều nguyên nhân, cách sử dụng thành ngữ ở một số bài viết còn chưa được chuẩn xác, có lúc thành ngữ đưa ra không đúng bối cảnh, có lúc thành ngữ bị sai lạc theo kiểu “tam sao thất bản.”

Đ.N.C.T

;
.
.
.
.
.