.

Mùa xưa

Bà ngoại gầy nhưng đẹp. Tôi vẫn thường nghe mọi người bảo thế. Tôi yêu ngoại, yêu lắm tình thương mà ngoại dành cho tôi cũng như con cháu của bà. Không biết có phải vì mẹ tôi là con út nên tình thương của bà với tôi có phần “ưu ái” hơn. Quãng thời gian tôi được ở bên bà không nhiều nhưng đó mãi là những tháng ngày êm đẹp của thời thơ ấu.

Ngày đó tôi được gửi về với ngoại. Kể từ khi mẹ tôi đi lấy chồng, bà phải ở một mình nên rất buồn. Ông tôi thì đã hy sinh ở chiến trường miền Nam. Có lẽ nhờ tình thương yêu dịu dàng, đằm thắm của bà nên tôi cũng nguôi ngoai nỗi nhớ mẹ. Hôm đầu tiên về nhà bà, tôi cứ khóc ré lên vì nhớ mẹ. Bà phải dỗ dành, nựng nịu mãi tôi mới chịu nín. Dần dà, tôi cũng quen với giọng nói ngọt ngào, ấm áp, quen hơi thở hăng hắc thoảng vị trầu cau của bà.

Nhà có hai bà cháu nên lúc nào cũng quấn quýt lấy nhau. Tôi đã trở thành cái đuôi của bà lúc nào không hay. Những lúc bà làm việc trong vườn, tôi đều ở bên cạnh bà giúp bà bê rổ, nhổ cỏ... Nhìn tôi ì ạch bê rổ rau nhỏ xíu, bà mỉm cười móm mém. Tôi còn hỏi bà những câu hỏi hết sức ngô nghê.

Vườn rau của bà rất nhiều mà ăn chẳng hết bao nhiêu, bà liền hái ra chợ bán. Những buổi chiều tôi lại lũn cũn theo bà ra chợ làng. Bà gánh rau đi trước, tuổi của bà đã cao mà vẫn đi nhanh đến lạ, tôi chạy theo mệt bở cả hai tai. Bà đặt gánh rau ra trước rồi lấy chiếc đòn gánh đặt nằm ngang để hai bà cháu cùng ngồi. Chợ làng về chiều đông vui, nhộn nhịp hẳn, người mua kẻ bán chuyện trò rất rôm rả. Mấy bà hàng xén ngồi cạnh nhau bàn tán những công việc trong nhà ngoài xóm. Hình như việc gì ở đâu, các bà ấy cũng biết. Câu chuyện chỉ dừng lại khi có khách mua hàng hay những lần các bà mời trầu với nhau. Bà tôi cũng được mời một miếng. Nhìn các bà bỏm bẻm nhai trầu, đôi môi đỏ tươi trông thật thích mắt.

Gánh rau xanh non vì được bà chăm sóc cẩn thận chẳng mấy chốc mà hết veo. Thỉnh thoảng có người tới mua rau nhìn tôi rồi hỏi bà: “Phải thằng cu nhà cái Vị đây không? Trông cũng sáng sủa đấy chứ nhỉ!”. Những lúc ấy, bà không nói gì mà chỉ nhìn tôi với ánh mắt trìu mến.

Hôm nào cũng vậy, những lúc bán rau xong là bà lại đi mua quà cho tôi. Có hôm là vài cục kẹo bột, miếng cốm ngọt lừ; hôm khác là những miếng bánh đúc thơm thơm. Bà dẫn tôi đến hàng bánh, trao cho tôi miếng bánh đúc cùng bát nước chấm. Tôi cứ ăn một cách ngon lành, đến nỗi cái bụng no căng, tối về chẳng còn ăn cơm được nữa. Rất ít khi bà ăn bánh với tôi mà chỉ nhìn tôi ăn với ánh mắt hạnh phúc. Ngày đó, chẳng hiểu sao những món quà quê dân dã ấy với tôi nó ngon đến lạ. Ăn mãi vẫn không thấy chán. Hay vì những món quà thơm thảo tình quê ấy được làm từ tấm lòng, từ đôi bàn tay của những người dân quê thật thà, chân chất.

Vào những đêm trăng, bà thường kê chiếc chõng tre cạnh hiên nhà để hai bà cháu cùng nằm. Trăng quê không bị ánh sáng gì phản chiếu nên nó sáng lắm. Dường như cả không gian được nhuộm một màu vàng lấp lánh của trăng. Từ vườn chuối, mái nhà đến mảnh sân lát gạch... Đâu đâu cũng thấy một màu vàng êm dịu, tươi mát.

Chiếc chõng tre qua thời gian đã bóng mòn, bây giờ có ánh trăng rọi vào cũng trở nên sáng loáng lạ kỳ. Và những đêm như thế, bà lại kể những câu chuyện cổ tích cho tôi nghe. Ôi, những câu chuyện cổ tích ăm ắp tình người, hơn một lần tôi đã được nghe mà sao vẫn thấy bồi hồi, thích thú mỗi lần bà nhắc tới điệp từ “ngày xửa ngày xưa...”. Rồi bà ru cho tôi ngủ. Điệu ví dặm quê nhà vốn đã mượt mà đằm thắm, qua lời ru của bà càng trở nên ngọt ngào như dòng sữa trong lành của mẹ vậy!

Ơ... Chứ ai biết nước sông Lam răng là trong là đục

Chứ biết sống cuộc đời răng là nhục là vinh

Tôi gối đầu lên tay bà, thấy êm êm dù tay bà gầy gầy. Đêm ấy, tôi đã ngủ một giấc ngon lành. Trong giấc mơ, tôi thấy mình lạc vào thế giới cổ tích có ông Bụt bà Tiên. Bà Tiên cho tôi một điều ước. Tôi chỉ ước được ở bên bà mãi mãi. Tôi đang nói với bà Tiên về điều ước của mình thì bà ngoại đánh thức dậy. Thì ra đêm đã khuya, sương rơi nhiều nên bà gọi tôi vào nhà.

Không biết có phải vì tôi chưa kịp nói với bà Tiên về điều ước của mình nên vài năm sau tôi phải xa bà. Hôm mẹ về đón tôi để đi học, tôi cứ khóc suốt. Mặc mẹ dỗ dành thế nào tôi cũng không nghe, cứ đến núp dưới chân bà. Bà lấy bàn tay gầy gầy nhăn nheo chùi nước mắt cho tôi và bảo: “Cháu ngoan! Về đi học với mẹ rồi hôm sau bà sẽ lên chơi với cháu!”. Nghe bà nói vậy, tôi mới chịu để mẹ đón về.

Hôm sau, rồi hôm sau nữa..., tôi cứ chờ mãi mà vẫn không thấy bà ngoại lên chơi như đã hứa. Rồi bà mất. Cái tin này đến với tôi thật đột ngột. Ngày đưa tang bà, các dì và các bác ở xa đều về, ai ai cũng khóc, cả mẹ tôi cũng vậy. Riêng tôi thì lại không. Tôi cứ đứng thẫn thờ nhìn chiếc quan tài nơi bà đang yên nghỉ. Có lẽ nước mắt của tôi đã chạy ngược vào trong mất rồi. Tôi suy sụp hẳn sau lễ tang của bà...

... Tuổi thơ đi qua không bao giờ trở lại, giống như người ta cũng chỉ sống một đời. Nhưng trong tôi, ký ức về những mùa xưa vẫn còn mãi trong tâm trí. Dù gì đi nữa cũng không thể phai mờ. Tôi biết, dưới suối vàng, bà ngoại vẫn luôn hướng về tôi, theo dõi từng bước đi của tôi. Bà ơi! Bây giờ thì cháu đã hiểu, trên đời này không có những ông Bụt bà Tiên nhưng mãi mãi bà vẫn bên cháu.

HỒ HUY SƠN

;
.
.
.
.
.