.

Nỗi lo truyện tranh thiếu nhi

.

Truyện tranh từ lâu đã là một nhu cầu không thể thiếu của trẻ em, nhưng nay nhìn lại thấy thật đáng lo. Dạo qua các nhà sách, nhất là ở các điểm cho thuê truyện tranh trên đường Nguyễn Chí Thanh, Chu Văn An, Lê Hồng Phong (thành phố Đà Nẵng), chỉ cần đứng một lúc, chúng ta có thể nhận thấy các em nhỏ lướt rất nhanh qua quầy truyện tranh  trong nước và dừng lại chăm chú vào các đầu truyện nước ngoài, nhất là truyện tranh Nhật Bản.

Những hình ảnh thế này xuất hiện nhan nhản trong các truyện tranh nước ngoài.

Truyện tranh Việt Nam vốn đã ít ỏi, lại không hay, không phong phú, đa dạng, không đủ sức lôi cuốn đối với các em. Vậy, vấn đề truyện thiếu nhi Việt Nam bị thất thế trên thị trường trong nước có phải chỉ là có quá ít tác giả viết cho thiếu nhi hay còn là truyện thiếu nhi của chúng ta chưa thực sự hấp dẫn đối với các em? Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, trong một vài năm trở lại đây, ít có bộ truyện tranh nào được ấn hành công khai lại tạo ra sức hút thực sự với các độc giả nhỏ tuổi như các bộ truyện cách đây khoảng chục năm như:

Thần đồng đất Việt; Đôrêmon; Bảy viên ngọc rồng, Tây Du Ký, Trạng Quỳnh... Hơn nữa, trong nước không có cây bút nào chuyên viết cho thiếu nhi mới xuất hiện, quanh đi quẩn lại cũng những Nguyễn Nhật Ánh, Bùi Chí Vinh, Kim Hài, Lưu Thị Lương và một vài tác giả khác. Sáng tác văn học cho thiếu nhi những năm gần đây đang thực sự chùng xuống, thể hiện rõ nhất là  sự ít ỏi về số lượng các tác giả và tác phẩm.

Nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là truyện thiếu nhi của Việt Nam không thu hút độc giả nhỏ tuổi, vì các tác giả không nắm bắt được tâm lý lứa tuổi thiếu nhi, không hiểu sở thích của các em, kèm theo lối kể chuyện không hấp dẫn, áp đặt cho các em quá nhiều bài học, luân lý, dễ tạo cảm giác nặng nề, chán nản cho các em ngay từ những trang viết đầu tiên, khiến các em đang ngày càng xa rời, thờ ơ với kho tàng truyện cổ tích vốn là một môi trường nuôi dưỡng tâm hồn trẻ.

Khi nhu cầu chân chính chưa được đáp ứng, các độc giả nhỏ tuổi ngày nay buộc phải tiếp cận với các loại truyện ngoài luồng, truyện du nhập và các loại truyện tranh chui, trôi nổi... Thời gian gần đây, truyện tranh nước ngoài đang tràn ngập và chiếm lĩnh thị trường sách cho thanh-thiếu nhi; xuất hiện nhiều quyển truyện có tính kích động bạo lực, đồi trụy. Có thể kể ra vài đầu sách nổi tiếng như: Chàng trai trong truyện tranh; Ichigo - kỷ niệm xanh; Girl Comics - lần đầu trải nghiệm; Crazy kiss, Good kiss - nụ hôn đầu; Change 123 - Tam nữ hiệp...

Thiết nghĩ, giáo dục giới tính rất cần cho trẻ em hiện nay, song không phải bất cứ một ấn phẩm văn hóa nào cũng phù hợp với thuần phong mỹ tục và tính cách của trẻ em Việt Nam. Với việc “cắt xén” bớt những hình ảnh phản cảm, “mặc thêm trang phục cho nhân vật” trong các truyện tranh nước ngoài trước khi xuất bản cũng chỉ là biện pháp tạm thời.
 
Bởi nếu không quản lý xuất bản chặt chẽ, bằng mọi con đường, sách lậu vẫn đến được với độc giả nhỏ tuổi một cách nhanh nhất và rẻ nhất. Một số nhà xuất bản không nên vì lợi nhuận đơn thuần mà bỏ quên trách nhiệm chân chính của mình. Các ấn phẩm trước khi xuất bản cần thẩm định, biên tập, xử lý, sàng lọc các chi tiết nhạy cảm, tác động xấu đến cảm thụ và tiếp thu của trẻ nhỏ, nhằm mang đến cho độc giả nhỏ tuổi những bộ truyện tranh bổ ích, giàu tính giáo dục và nhân văn.

QUỐC TÍN

;
.
.
.
.
.