.
NSƯT Nguyễn Thảo

Bước ra từ vai “chạy hiệu”

.

Như là định mệnh

Cho dù là “con nhà nòi”, có ông nội là ông Thủ Tám - một tay trống tuồng có tiếng của miền Trung - và bố là nghệ sĩ Hoàng Diện, nhưng chưa bao giờ Nguyễn Thảo lại nghĩ đến việc gắn bó đời mình với sân khấu Tuồng. Bởi đơn giản, cuộc sống rày đây mai đó của kiếp nghệ sĩ trước kia buộc gia đình anh nghĩ xa hơn cho tương lai con cái.

Không có được tài năng thiên phú nhưng sự đam mê nghề nghiệp và thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc đã giúp Nguyễn Thảo khẳng định mình trên sân khấu Tuồng Việt Nam.

Thế nhưng, tất cả như là định mệnh, khi đầu những năm 70 của thế kỷ trước, Nguyễn Thảo trong độ tuổi bị bắt lính, vậy là, anh buộc phải đi theo các đoàn hát chỉ để trốn quân dịch, từ đoàn Túy Nguyệt cho đến Lan Anh rồi Đồng Xuân Lâm. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, khi Giáo sư Hoàng Châu Ký đề nghị thành lập Đoàn Tuồng Phương Nam, anh là một trong những thành viên đầu tiên, dù chỉ chuyên các vai “chạy hiệu”. Năm 1977, Đoàn Tuồng Quảng Nam-Đà Nẵng chính thức được thành lập trên cơ sở sáp nhập đoàn Phương Nam với đoàn Liên khu 5B và Nguyễn Thảo vẫn tiếp tục gắn với sân khấu Tuồng.

Ý thức được khả năng do không được đào tạo và không có chất giọng, lại thêm không hứng thú nhiều bởi phải thường xuyên đóng các vai lính hầu, Nguyễn Thảo chấp nhận lui về hậu đài làm ánh sáng. Có thể, tất cả sẽ dừng lại nếu lúc ấy, những tên tuổi lớn của Tuồng như NSND Sáu Lai hay Văn Phước Khôi không có con mắt tinh đời.

Thấy chàng trai Nguyễn Thảo có được vai diễn đầu tiên là Lý Thông (trong vở Thạch Sanh - Lý Thông) tương đối ấn tượng trên sân khấu Phương Nam, cả hai thầy đã quyết định đầu tư cho Nguyễn Thảo. Nhưng, cậu học trò vốn không thuận lợi về năng khiếu, hơi không tốt, yếu về vũ đạo, đã có lúc làm các thầy nản lòng.

Không được thầy tin tưởng, lắm lúc Nguyễn Thảo mủi lòng, song với tự ái của tuổi trẻ được đặt đúng chỗ, anh càng quyết tâm hơn để khẳng định khả năng của bản thân. Cuối cùng, những nỗ lực không ngừng của Nguyễn Thảo đã được các thầy ghi nhận với vai đi sứ (trong vở Ngoại tổ dâng đầu).

Cái “duyên” sân khấu

NSƯT Nguyễn Thảo (giữa) đã tạo được dấu ấn cho mình với vai Sứ giả (trong vở Ngoại tổ dâng đầu).

- Biết được những hạn chế nên tôi phải học bằng mọi giá, học trên sàn tập, học sau cánh gà, học cả lúc không được phân vai diễn. Hay ít ra, học để không bị xem thường. Sau này, khi trưởng thành, tôi càng hiểu rằng, nếu không học hỏi, trau dồi thì chẳng khác gì một con rối trên sân khấu. Cho nên, dù không được phân vai kép nhưng không có nghĩa, tôi không học vai kép. Có lúc, tôi khao khát được thay vai cho những người bỏ vai. Và nhờ đó, tôi có thể thay bất kỳ vai nào (trừ vai đào), nếu có diễn viên bỏ vai - Nguyễn Thảo tâm sự.

Nguyễn Thảo đã chọn cho mình hướng đi từ ý thức rằng “một diễn viên muốn đứng trên sân khấu thì phải biết mình là ai, chọn vai diễn nào phù hợp”. Hạn chế về chất giọng, vũ đạo, anh hướng mình vào những nhân vật diễn nhiều hơn múa, hát. Cũng phải thừa nhận, anh đã gặp may khi được học với hai trong số Ngũ Mỹ của Tuồng Việt Nam là “nịnh Sáu Lai, hài Văn Phước Khôi”.

Hạnh phúc hơn khi với vai đi sứ, Nguyễn Thảo đã có được lòng tin tuyệt đối của cả hai bậc thầy, khi anh là người đầu tiên trong lớp diễn viên trẻ lúc bấy giờ nắm được cái thần của vai diễn. Sau này, cùng với những nỗ lực miệt mài và một chút kinh nghiệm giúp Nguyễn Thảo tạo dựng nên những hình tượng Bùi Kiệm (trong vở Lục Vân Tiên), thầy Nghêu (trong vở Nghêu, Sò, Ốc, Hến), Triệu Xung (trong Trọng Thủy, Mỵ Châu)... được khán giả ghi nhận.

Trên con đường nghệ thuật, Nguyễn Thảo đã đạt được những thành tích đáng kể mà đỉnh cao là 2 Huy chương vàng Hội diễn Tuồng chuyên nghiệp toàn quốc 1990 và 1993 với vai Triệu Xung và Đi sứ. Đến năm 1997, Nguyễn Thảo được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Đầu năm 2000, anh được Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh phân công làm quản lý với chức danh Phó trưởng đoàn biểu diễn nghệ thuật.

BẢO AN

;
.
.
.
.
.