.

Sức hút Hội An

.

(ĐNĐT) - Đến Hội An trong những ngày diễn ra Lễ hội Quảng Nam - Hành trình di sản lần IV-2009, khám phá ra những điều mới lạ và cảm nhận được sức hút kỳ lạ từ phố cổ này.

Học tiếng Việt khó mà vui

Một tiết học tiết Việt.
Lớp dạy tiếng Việt cho người nước ngoài mới “mở hàng” vào sáng 4-6, đã có tới 5 nhóm với gần 20 người Anh, Pháp, Canada đăng ký học.

Chị Hồ Thị Phương Uyên, chuyên viên của Trung tâm Văn hóa – Thể thao Hội An, một trong bốn giáo viên chính đứng lớp, cho hay: “Ban đầu khách rất ngại, nhưng khi đã vào học lại rất say mê, thậm chí có người ngồi gần tiếng đồng hồ”.

Trong khung cảnh giản dị của lớp học, anh Mutter James, du khách Canada vừa đến Hội An chăm chú đọc theo từng chữ, từng lời của cô giáo y như một em bé ngoan mới chập chững vào lớp 1. Ngoài những từ đơn giản giới thiệu các loại rau, các di tích ở Hội An, anh James còn tập hát cả dân ca, bài chòi. Hát vài câu, anh dừng lại hỏi: “Đây có phải là bài hát nổi tiếng của Việt Nam không?”. Thấy cô giáo lắc đầu: “Đây chỉ là một loại dân ca ở Quảng Nam, bài này được nhiều người thích, nhất là trẻ con”, anh cứ tấm tắc khen: “Hay, giai điệu rất nhịp nhàng”.

Anh James cũng như nhiều du khách khác tham gia lớp học đều thừa nhận “tiếng Việt rất khó, có nhiều dấu khó hiểu”, nhưng họ vẫn rất thích thú vì vừa biết thêm chút ít về một thứ tiếng, vừa có vài khái niệm sơ đẳng về món ăn, các di tích ở vùng đất họ mới đặt chân đến. Cũng là lần đầu tiên dạy môn này, chị Phương Uyên cho hay: “Dạy còn khó hơn dạy trẻ con, nhưng có nhiều điều ngộ nghĩnh”. Riêng cái âm điệu lơ lớ của các học trò phương Tây cũng đủ làm chị vừa lạ lẫm, vừa thích thú.

Lớp học hoàn toàn miễn phí, chia theo 3 ca: buổi sáng 8-10h, buổi chiều 14-16h30, buổi tối 19-21h, tổ chức từ nay đến hết ngày 7-6.

“Hội An trong lòng một người Hà Nội”

Nhà báo Thục Trinh đang giới thiệu cho du khách  kỷ niệm khi chị chụp các bức ảnh ở Hội An.
Sau bao năm gần như dành tất cả tấm lòng yêu thương tha thiết cho phố cổ Hội An, một người Hà Nội – nhà báo Vũ Thục Trinh (Thời báo Ngân hàng” đã tập trung trưng bày 45 bức ảnh, 45 khoảnh khắc về một Hội An rêu phong, trầm mặc, u hoài của những năm trước.

Có thể gọi các bức ảnh là một chuỗi ký ức thời gian, từ khi chị đặt chân đến Hội An và bàng hoàng vì vẻ đẹp của phố từ năm 1990. Vì thấy Hội An giống Hà Nội xưa quá, cũng những ngõ rêu tà, những gương mặt con người thuần hậu, chất phác, cũng khung cảnh êm đềm, bình yên ấy... đã hút hồn chị, nên chị không thể ngăn mình mỗi năm đôi ba lần về thăm phố Hội.

Cũng là những mái ngói, mẹ già hằn nếp thời gian, giàn hoa rực rỡ trên nóc ngói xám cũ... nhưng những bức ảnh lại khiến cảm xúc nuối tiếc len lén đi về hồn người, một sự nuối tiếc chốn an bình nào đó đã ra đi, khi Hội An càng ngày càng phát triển để phục vụ du lịch.

Nắn nót theo từng nét chữ thư pháp.
“Thử sức” với thư pháp

Những ông đồ với mực Tàu, giấy đỏ luôn tạo ấn tượng mạnh cho người xem, và đặc biệt thu hút những du khách với đủ mọi quốc tịch Anh, Pháp, Tây Ban Nha... đến với những ngày Hành trình di sản văn hóa tại Hội An. Du khách được các nhà thư pháp Hội An hướng dẫn những kỹ thuật cơ bản về sử dụng bút lông trong nghệ thuật viết chữ đẹp.

Ông Jose Espigado, người Tây Ban Nha tập đưa từng nét bút, dù tay viết chưa được mềm mại và vã mồ hôi giữa cái nắng nóng miền Trung, nhưng vẫn cười rất tươi: “Tôi thấy học viết thư pháp rất thú vị, và nền văn hóa Việt của các bạn rất khác với văn hóa Tây Ban Nha. Tôi cảm thấy những câu thư pháp do người hướng dẫn viết ra ở đây mang lại may mắn cho mỗi chúng tôi”.

Ông đồ - nhà thư pháp Đỗ Minh Nhàn cho rằng, các mẫu tự tiếng Việt gần gũi với các nước nên việc tổ chức dạy thư pháp tiếng Việt cho người nước ngoài trở nên dễ dàng hơn. Đây cũng là cơ hội để du khách biết thêm về các giá trị truyền thống của dân tộc Việt. Khi hiểu được điều đó, du khách thường yêu cầu viết tên của mình, người thân và những câu chúc phúc.

Ký họa đường phố

Nhiều du khách, đa phần là nữ đã đến xem và đăng ký làm người mẫu cho họa sĩ đường phố Nguyễn Duy Tùng ở khu vực chùa Cầu, Hội An. Chỉ với 50.000 đồng và 10 phút làm mẫu, vừa có thể nói chuyện về hội họa, về những chuyến đi với họa sĩ, bạn đã có được một bức chân dung hoàn chỉnh vẽ bằng chì than.

Ký họa đường phố, nét độc đáo giữa lòng phố cổ.
Ký họa trên đường phố vốn rất thông dụng ở nhiều thành phố du lịch trên thế giới, nhưng ở Việt Nam nó còn khá lạ lẫm nên luôn là nơi thu hút đông đảo du khách cũng như người dân địa phương khi họa sĩ đặt giá vẽ, ghế bố và một vài bức ký họa để tự “quảng cáo” công việc của mình.

Nguyễn Duy Tùng là sinh viên năm thứ 3 ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Nghỉ hè nên cậu đóng gói đồ đạc, lên đường hành phương Nam tìm cảm hứng sáng tác. Số tiền kiếm được khi làm họa sĩ đường phố những nơi Tùng đặt chân đến chỉ bù được chi phí trong hành trình, nhưng bù lại Tùng có được rất nhiều kinh nghiệm, nâng cao tay nghề và có thể học được nhiều khả năng và góc độ quan sát mà một họa sĩ chuyên nghiệp cần rèn luyện. Dù mới là năm thứ 2 triển khai công việc ký họa đường phố ở Hồ Gươm, ở chợ đêm Hàng Ngang - Hàng Đào nhưng hành trang ký họa của Tùng đã lên đến khoảng 5.000 bức.

H.Vang-H.Nhung
;
.
.
.
.
.