Đã bao nhiêu năm rồi nhỉ, tôi không được ré vang sung sướng khi ào người xuống nước bên bến sông sau cả buổi chiều phơi trong nắng cháy, chặt những cây bụi trên đồi, buộc chặt thành từng đội củi về chất giữa sân. Đã bao nhiêu năm rồi, tôi không được vừa té nước vừa cười reo, rồi thi nhau xem ai lặn lâu hơn cùng lũ bạn đầu trần, chân đất. Đã bao nhiêu năm rồi, tôi xa mãi ấu thơ?
|
Còn quả là những thứ kia có hấp lực hơn gấp vạn lần, chẳng đợi mẹ gọi, chúng tôi đã dậy trước, giục mẹ nấu cơm. Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ nào mũ, áo dài tay, rựa, túi ni lông và một bình đông nước chè rót từ chiếc ấm để trên bếp, chúng tôi ăn vội vàng bữa sáng với nước mắm hoặc sang hơn là muối mè hay muối đậu phộng rồi hớn hở đi trong cái nắng còn khoan nhượng ban mai. Mẹ tôi lúc nào cũng với theo: “Mấy đứa nhớ về sớm!”.
Chúng tôi đi cùng với mấy đứa trong xóm. Thằng Tí khoe: “Tao được chín đội rồi!”. Con Điệu chế nhạo: “Chín đội mà cũng bày đặt. Tao mười hai đội. Mà đội của tao to hơn đội của mi là cái chắc!”. Rồi nó quay sang em gái tôi: “Ê! Hai chị em bay mấy đội?”. Em tôi luống cuống: “Chưa đếm! Mà hình như ít hơn chị”. Rồi nó chạy lại lắc lắc tay tôi: “Bữa ni mình phải được hai đội thiệt to nghe chị Ba!”. Tôi cười bảo nó: “Đội thiệt to! Rồi mi có đội nổi không?”.
Nó nhe hàm răng sún: “Em đội giỏi hơn chị Ba luôn đó!”. “Vậy thì nhanh lên!”. Đến nơi, chúng tôi chia nhau khu vực để chặt. Mỗi đứa sẽ “khai thác” một bụi cây, không được chặt sang bụi của người khác. Vì đứng cách nhau hơi xa, chúng tôi phải hét thật to mỗi khi cần nói chuyện. Tôi và em gái thường chặt hai bụi gần nhau. Thỉnh thoảng không nghe tiếng sột soạt bên bụi nó, tôi kêu: “Nhỏ ơi! Nhỏ!”. “Em đây!”.
Thì ra nó đã phát hiện ra một lùm dủ dẻ trái chín vàng óng, căng mọng nên vứt rựa sang một bên, hớn hở hái dủ dẻ cho vào túi ni lông. Khi tôi chạy đến, nó lại cười: “Chị Ba ăn hông?” và nhanh nhẹn chìa cho tôi chùm quả mọng nhất. Chao ôi là thơm và ngọt! Tôi vừa ăn vừa thoáng chút xấu hổ. Lúc nãy tôi cũng hái được từ bụi của mình mấy trái sim chín, nhưng đã cho vào miệng luôn, có nghĩ gì đến nó đâu. Hèn gì, mẹ tôi lúc nào cũng khen nó thảo ăn.
Khi cái nắng buổi sáng đã gay gắt, mồ hôi chảy ướt đầm áo, tôi kêu em tôi: “Nhiều chưa?”. “Cũng nhiều nhiều. Nhưng em muốn chặt thêm, phải hơn chị Điệu mới được”. Tôi ra giọng chị lớn: “Thôi, chừng đó đủ rồi. Đi tìm dây với chị!”. Hai chị em tôi lại chui vào những bụi cây khác tìm những dây leo chắc, dày rồi gom củi lại thành hai đống, buộc lại thật chặt.
Em tôi nhìn hai bó củi, ra vẻ hài lòng lắm. Tôi lại kêu: “Điệu ơi! Tí ơi! Chuẩn bị về thôi!”. Khi chúng nó đội củi lại chỗ hai chị em tôi, trên tay đứa nào cũng cầm một túi ni lông đựng nào sim, móc, dủ dẻ, cả chùm trái bông trang chín đen nữa. Trông mới ngon mắt làm sao! Chúng tôi đội củi về, thấy bóng mình đã ngắn cũn lại dưới chân và riêng tôi, nghĩ đến gói chè đang đợi ở nhà. Mẹ tôi thỉnh thoảng lại mua chè cho hai chị em tôi…
Nhìn mặt chúng tôi đỏ như gấc, lại mồ hôi mồ kê nhễ nhại, mẹ nói như ra lệnh: “Chiều không đi đâu hết. Ốm thì lại khổ mẹ!”. Thế mà, vừa ăn trưa xong, tôi và em gái lại rón rén rót nước vào bình đông để sẵn, vờ nằm ngủ để chờ khi nào thấy mẹ ngủ say là vụt chạy. Có khi vẫn là chặt củi, có khi lại đi hái điều (quê tôi gọi là đào lộn hột). Những cây điều không biết ai trồng tự khi nào, chỉ biết đến hè, chúng tôi được quyền hái tự do mà không sợ bị ai la mắng gì cả. Hái điều thì phải biết trèo.
Tôi trèo, em gái ở dưới sẽ nhặt những quả điều tôi thả xuống và vặt hạt cho vào túi ni lông. Sau này, học sinh học tôi mới biết cái mà chúng tôi gọi là quả thật ra chỉ là cuống phình to, còn cái chúng tôi gọi là hạt mới chính là quả. Còn lúc đó, chúng tôi chỉ nghĩ đến món tiền có được khi bán mớ hạt điều sau khi đã phơi khô này. Tiền đó, sẽ đưa cho mẹ sắm áo quần và mua sách vở cho năm học mới.
Và, sau cả một ngày dang nắng, chúng tôi lại ào ra sông té nước, ngụp lặn, tập bơi ồn ã một khoảng sông, đến chạng vạng vẫn chưa chịu về. Thế nhưng có đứa nào cảm sốt gì đâu, suốt cả mùa hè. Hình như bọn trẻ con thôn quê chúng tôi ngày ấy được trừ cho cái khoản đau ốm vặt.
Đến gần năm học mới, mẹ cấm tuyệt đối không đi củi, hái sim, hái điều gì nữa hết. Mẹ bảo: “Các con khét nắng thế này, vào lớp thầy cô nào chịu nổi!”. Em gái tôi giơ cánh tay lên mũi, hít hít rồi thỏ thẻ: “Tội nghiệp mẹ với mấy thầy cô quá! Phải ngửi cả lớp khét nắng!”. Năm học đó, không biết hên hay xui, tôi học đúng lớp mẹ dạy. Mẹ tôi nổi tiếng nghiêm khắc nhất trường…
Đã bao nhiêu năm qua rồi. Tôi giờ đây đã là một cô giáo dạy học ở thành phố. Trước mỗi năm học mới, không như mẹ tôi ngày xưa, thương học trò đứa nào cũng khét nắng mà ngược lại, thương các em đã vật lộn với cả một “học kỳ ba” bận rộn không kém trong năm. Lại nao nao về những mùa hè thơ ấu, biết tìm về đâu để gặp, tôi ơi?
NGÔ THỊ THỤC TRANG