.

Cha đưa mẹ đón

* Xin cho biết tục ngữ “Cha đưa mẹ đón” nghĩa là gì? Vận vào chuyện cưới xin hay chuyện tang ma? (Nguyễn Văn, Hội An, Quảng Nam).

- Từ điển Thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (Vũ Dung, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào biên soạn) giảng “Cha đưa mẹ đón” là: “Một phong tục đưa tang cha mẹ: Khi đưa tang cha, con trai chống gậy đi sau quan tài, đưa tang mẹ con trai bưng miệng đi giật lùi trước quan tài”.

Sách “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính (NXB TP. Hồ Chí Minh, 2004, tr. 38) chép: “Cha mất thì con giai chống gậy tre, mẹ mất thì chống gậy vông. Con giai nào mất trước rồi thì con giai người ấy phải chống gậy thay cha, hoặc con nào đi vắng thì treo cái gậy ấy ở đầu đòn đại dư (đòn lớn để khiêng quan tài – ĐNCT). Nếu không có con giai thì ai vào ăn thừa tự phải chống gậy”.

Tục ngữ đang xét cũng được cho là vận vào thực tế của chuyện cưới xin, như ý kiến của các tác giả Nguyễn Xuân Kính, Nguyễn Thúy Loan, Phan Lan Hương, Nguyễn Luân trong “Kho tàng tục ngữ người Việt (tập 1). Sau khi dẫn lại nội dung trên từ Từ điển Thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, nhóm biên soạn đã ghi thêm: “Có nơi như Thái Bình, Hưng Yên hiểu rằng: Cha đưa con gái về nhà chồng, mẹ chồng đón nàng dâu về nhà” và tỏ ý tán thành cả hai cách hiểu.

Nói thêm, trong đám tang, gậy tre hình tròn, còn gậy vông thì được đẽo thành vuông theo quan niệm người xưa cho rằng trời tròn, đất vuông (như trong sự tích bánh giầy, bánh chưng). Theo thuyết Âm dương, gậy tre tròn tượng cho trời, trời thuộc về dương, chỉ người cha. Gậy vông vuông tượng trưng cho đất, đất thuộc về âm, chỉ người mẹ. Vì thế, đưa tang cha chống gậy tròn, đưa tang mẹ chống gậy vuông là một cách biểu trưng hiếu đạo, xem trọng công đức sinh thành bằng trời bằng đất.

Nghi lễ bắn 21 phát đại bác

* Nghi lễ bắn đại bác chào nguyên thủ quốc gia có từ bao giờ? Vì sao chỉ bắn đúng 21 tiếng? (Lê Văn Ba, Cẩm Lệ, Đà Nẵng).

- Nghi lễ này có xuất xứ từ ngành hàng hải thời xưa, khi mà các đế quốc như Anh, Pháp, Tây Ban Nha... bùng nổ việc sử dụng tàu để đi xâm chiếm các thuộc địa và mở rộng lãnh thổ.

Trên các chiến hạm thời đó mỗi khi bắn xong một phát đại bác, lại phải bồi thuốc và nạp đạn từ đầu nòng súng mới bắn tiếp được, nên rất mất thời gian, mỗi lần như vậy nhiều khi mất đến 20 phút.

Trước khi tàu của một nước tiến vào cảng của một nước khác thì các khẩu pháo phải bắn hết tất cả đại bác trên tàu để chứng tỏ rằng mình không còn là hiểm họa cho trên bờ nữa. Dần dần, bắn đại bác trở thành thông lệ để các chiến hạm chào “ra mắt” trên bờ và trên bờ cũng bắn đại bác đáp lễ lại. Tuy nhiên, do không có quy định thống nhất nên thông lệ này luôn đi quá trớn, các chiến hạm cứ chào và trên bờ cứ đáp lễ có khi đến hàng giờ không dứt.

Để ngăn chặn bớt sự phí phạm đạn dược này, Bộ Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Anh ra lệnh các chiến hạm chỉ được bắn tối đa 7 phát súng chào, và đơn vị bờ đáp lễ bằng 3 lần số được chào là 21 phát. Từ đó 21 phát súng chào trở thành “thủ tục” không thể thiếu trong nghi lễ trọng đại đón nguyên thủ quốc gia.

Với sự hùng mạnh và ảnh hưởng của Hải quân Anh đương thời, thông lệ này đã lan dần ra hầu hết các nước trên thế giới.

Đ.N.C.T

;
.
.
.
.
.