.
HƯỚNG ĐẾN NỀN HÀNH CHÍNH CÔNG VĂN MINH, HIỆN ĐẠI

Thực hiện văn hóa công sở

.

Thực hiện tốt văn hóa công sở, hay xây dựng cơ quan văn hóa là góp phần thực hiện mục tiêu của chương trình tổng thể cải cách hành chính, hướng đến một nền hành chính công văn minh, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả… để thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước, phục vụ nhân dân tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đến làm ăn.

Không dừng lại ở một phong trào

Thực hiện “nụ cười công sở” trong quan hệ xử lý công việc của tổ chức, công dân để phục vụ tốt hơn.   Ảnh: SƠN TRUNG

Ông Chế Viết Sơn - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho hay: “Cơ quan hành chính Nhà nước (hành chính công) vừa có chức năng quản lý Nhà nước, vừa phục vụ nhân dân, gồm có: công quyền, công chức, công sở, công vụ, công đức (nhấn mạnh đến đạo đức của công chức trong thực hiện công vụ), công sản, công khai, công nghệ…

Trong đó, công sở là nơi giao tiếp giữa Nhà nước với công dân, đặc biệt ở cấp phường, xã là nơi tiếp xúc với nhân dân nhiều nhất, nên cách giao tiếp, ứng xử, mọi lời ăn tiếng nói, ghi phiếu hẹn, cung cách xử lý công việc… phải thực sự có văn hóa, văn minh, công khai và phục vụ người dân được tốt hơn, nhanh hơn, hài lòng hơn, giảm thiểu phiền hà, tiêu cực, nhũng nhiễu. Xây dựng cơ quan văn hóa bao hàm nhiều nội dung xoay quanh công sở, công chức và công vụ.
 
Thực hiện tốt văn hóa công sở, hay xây dựng cơ quan văn hóa là góp phần thực hiện mục tiêu của chương trình tổng thể cải cách hành chính; hướng đến một nền hành chính công văn minh, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả… không chỉ phục vụ cho người dân được tốt hơn mà còn tạo điều kiện thuận lợi về mặt hồ sơ, thủ tục để các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến làm ăn; hướng đến phát triển một nền hành chính công tiến bộ như ở các nước tiên tiến và góp phần phát triển kinh tế”.
 
Không dừng lại ở phong trào, việc xây dựng cơ quan văn hóa còn là một đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi, do đó cần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức về tầm quan trọng của phong trào, đợt sinh hoạt chính trị này và phải luôn tự kiểm tra, làm đúng những gì mình đã cam kết. Hằng năm, mỗi cơ quan đều nỗ lực thực hiện, tự chấm điểm theo các tiêu chí và kiểm tra, đánh giá chéo giữa các cơ quan, qua đó bình bầu, xếp loại.

Tuy nhiên, các tiêu chí trong bảng chấm điểm xây dựng cơ quan văn hóa phải xây dựng làm sao cho phù hợp, sát sườn hơn nữa với mỗi nhóm cơ quan hành chính có đặc thù công việc khác nhau (cơ quan hành chính phường, xã khác với cơ quan Sở, khác với một cơ quan giải quyết khiếu nại, tố cáo…), tránh bao đồng, chung chung, để đánh giá chính xác hơn.

“Nụ cười công sở”

Vì sao phải thực hiện “nụ cười công sở”? Theo nhiều nhà quản lý, là do văn hóa giao tiếp, ứng xử của các công chức trong tiếp xúc với nhân dân còn quá kém. Thực tế, không ít công chức ứng xử chưa có văn hóa làm cho người dân bất bình.

Điều này thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau: có những cán bộ, công chức vừa tiếp khách vừa hút thuốc lá; có người đến công sở trong những bộ trang phục nhàu nát, khi tiếp khách làm mất tư thế, uy quyền của công sở; cũng có không ít cán bộ, công chức tiếp dân với thái độ thiếu nhã nhặn, ăn nói cộc lốc, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân, đối với đồng nghiệp thì thiếu trung thực, không hợp tác... Cách ứng xử thiếu văn hóa trên ảnh hưởng lớn đến chất lượng công tác, làm cho mối quan hệ giữa cơ quan Nhà nước và nhân dân ngày càng có khoảng cách.

“Nụ cười công sở” ở đây có thể hiểu là sự thoải mái, thân thiện, cách ứng xử văn hóa nơi công sở của cán bộ, công chức sao cho người dân đến với công sở thấy mãn nguyện, hài lòng, thấy sự thiện cảm của biểu hiện giao tiếp và niềm hứng khởi khi được phục vụ.

Ở góc độ chỉ đạo, điều hành, cụm từ “nụ cười công sở” không phải mới xuất hiện gần đây mà các chuẩn mực về đạo đức, văn hóa ứng xử, giao tiếp của cán bộ, công chức được quy định trong các văn bản pháp quy, như:

Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 1998 (sửa đổi, bổ sung năm 2000 và 2003); Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế Văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính Nhà nước; Quyết định số 1866 của UBND thành phố ngày 4-3-2008 ban hành Kế hoạch “Tăng cường thực hiện kỷ luật, kỷ cương, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn thành phố”…

Và gần đây là Chỉ thị số 06 của UBND thành phố về tiếp tục tăng cường thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn thành phố. Qua đó, nhằm góp phần thay đổi diện mạo của các cơ quan hành chính Nhà nước ngày càng thân thiện hơn và gần gũi hơn với tổ chức, công dân”.

HOÀNG QUYÊN

;
.
.
.
.
.