Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là yếu tố quan trọng làm nên giá trị và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, mà nó còn có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trong cơ chế thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững nền kinh tế đất nước. Đây còn là một trong những nội dung cơ bản của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tuy nhiên, trong những năm qua, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có rất ít doanh nghiệp đăng ký thực hiện xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Khi doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, đời sống vật chất và tinh thần của người lao động ngày càng được nâng cao. |
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là xây dựng một môi trường làm việc, một tác phong, nền nếp làm việc, xây dựng mối quan hệ giữa người với người, xây dựng một đội ngũ cán bộ, công nhân, lao động có chuyên môn giỏi, phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, lập trường và quan điểm vững vàng. Đi đôi với việc xây dựng những cơ sở vật chất phục vụ cho lao động sản xuất và các thiết chế văn hóa-thể thao nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân, xây dựng văn hóa trong doanh nghiệp là lấy “xây” để “chống”.
Việc tôn vinh, biểu dương, khen thưởng và xây dựng, nhân điển hình những cá nhân, tập thể tiên tiến trong lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện dân chủ ở cơ sở, thi đua dân vận khéo, xây dựng nếp sống văn hóa ở cơ quan, gia đình văn hóa mới… là những việc làm thường xuyên để vun đắp nên những giá trị mới, thấm sâu vào cuộc sống, trở thành tâm lý, tập quán văn minh, tiến bộ trong doanh nghiệp, nâng cao tính chiến đấu, đẩy lùi những tư tưởng, hành vi lệch lạc, sai trái.
Thông qua các phong trào xây dựng văn hóa, các doanh nghiệp còn có thể chú trọng đến công tác tuyên truyền, thông tin, giáo dục, đồng thời tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn; những hoạt động từ thiện nhân đạo, hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào gặp thiên tai, bão lũ, các hộ nghèo, gia đình chính sách…
Phải coi văn hóa doanh nghiệp như là tôn chỉ, mục đích của công ty, bởi nó bảo đảm sự trường tồn của doanh nghiệp. Khi mỗi công ty xây dựng được môi trường sống lành mạnh thì bản thân người lao động cũng muốn đến công ty. Vì vậy, xây dựng cho được một môi trường văn hóa trong mỗi doanh nghiệp là nhằm tạo cho người lao động thấy được môi trường làm việc của công ty cũng chính là môi trường sống của mình; bởi, cái mà người lao động thiếu không phải đơn thuần là đồng tiền mà là giá trị tinh thần mà chỉ đến công ty mới có được.
Điều đó cũng có nghĩa là để người lao động luôn tự hào về công ty, không có cách nào khác là xây dựng một nền văn hóa trong mỗi doanh nghiệp. Vì vậy, xây dựng văn hóa doanh nghiệp là cấp thiết và là cái đầu tiên mà mỗi doanh nghiệp cần lưu tâm tới.
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp còn là một trong những tiêu chí quan trọng trong công tác thi đua khen thưởng. Tại Quy chế xét thi đua khen thưởng của UBND thành phố (ban hành theo Quyết định số 110/2006/QĐ-UB ngày 25-12-2006) đã nêu rõ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu thi đua thì phải đạt danh hiệu văn hóa. Điều này đã thể hiện rõ, trong năm 2008, thành phố có 8 đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng không được thành phố tặng bằng khen vì chưa đăng ký xây dựng danh hiệu văn hóa.
Bài và ảnh: NGỌC HÂN