.
DI TÍCH KHU MỘ 45 HỌC SINH MÂN QUANG

Ít người biết đến

.

Khu mộ 45 học sinh Trường tiểu học Mân Quang (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) đã được UBND thành phố Đà Nẵng xếp hạng di tích cấp thành phố và được đầu tư xây dựng khang trang. Đứng trước di tích này, bà Võ Thị Tuần, năm nay 82 tuổi, ở tổ 21, thôn Mân Quang vẫn nhớ như in cái ngày kinh hoàng của nhân dân trong làng hơn 44 năm về trước.

Toàn cảnh di tích lịch sử Khu mộ 45 học sinh Trường tiểu học Mân Quang.

Bà kể, khoảng 9 giờ sáng ngày 16 tháng 3 năm 1965, trong lúc mọi người đang ra đồng lao động sản xuất, học sinh vẫn đến trường bình thường như mọi ngày, bỗng dưng nghe tiếng gầm rú của những chiếc máy bay khu trục của Mỹ đến ném bom vào Trường tiểu học Mân Quang làm 45 học sinh vô tội chết ngay tại chỗ.

Sau khi sự việc xảy ra, nhân dân trong làng đấu tranh, đưa xác 45 học sinh lên tòa thị chính tố cáo tội ác của Mỹ-ngụy. Thi hài của học sinh bị bọn chúng chất lên xe, chở về bỏ ở bến Đò Xu, sau đó được nhân dân đưa về mai táng tại làng Khái Tây, về sau chuyển về làng Mân Quang (vị trí hiện nay) - nơi xảy ra sự việc. Vụ việc xảy ra gây sự căm phẫn tột cùng của nhân dân đối với chế độ Mỹ-ngụy lúc bấy giờ.

Hiện nay, khu mộ đã được đầu tư xây dựng khá khang trang trên diện tích có chiều dài khoảng 25m, rộng khoảng 12m, nền được lát đá hoa cương, các phần mộ được tô đá rửa; bia tưởng niệm có chiều ngang khoảng 1 mét và chiều cao khoảng 5 mét được ốp gạch men và chính giữa có đề dòng chữ “Bia tưởng niệm 45 học sinh Trường tiểu học Mân Quang ngày 16-3-1965”. Phía bên trái tấm bia là mô hình một quả bom được đúc bằng xi-măng, sơn màu đỏ. Trước đây, ở trước cổng khu mộ còn có một hố bom, nhưng qua thời gian đã bị lấp dần.

Di tích Khu mộ 45 học sinh Trường tiểu học Mân Quang tuy đã được UBND thành phố Đà Nẵng xếp hạng di tích cấp thành phố, nhưng hiện nay rất ít người biết đến, nhất là những em học sinh trên địa bàn thành phố. Một thực trạng đáng lo ngại hơn, di tích này không có người trông coi, quản lý nên trông rất nhếch nhác và đang có nguy cơ xuống cấp. Thỉnh thoảng, nhân các ngày lễ lớn hằng năm mới có Đoàn Thanh niên đến dọn dẹp, hương khói - một người dân ở Mân Quang cho biết như vậy.

Để di tích này đi vào đời sống người dân, chính quyền địa phương cần có những quy định quản lý, bảo vệ và khai thác hợp lý để giữ gìn và phát huy tốt giá trị, ý nghĩa của di tích. Hằng năm, các ngành Văn hóa, Giáo dục phối hợp tổ chức cho học sinh đến tham quan, tìm hiểu, qua đó góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, hiếu học của nhân dân ta cho các em.

Chính quyền địa phương nên giao cho một đoàn thể hoặc một trường học nào đó trên địa bàn quận chịu trách nhiệm chăm sóc, giữ gìn di tích. Ngành Văn hóa- Thông tin quận nên phối hợp với Ban Quản lý danh thắng Ngũ Hành Sơn xây dựng chương trình giới thiệu với du khách về địa chỉ đỏ này. 
    
Bài và ảnh: VĨNH KHANG

;
.
.
.
.
.