.

Ba làng nghề ở Ngũ Hành Sơn

.

Trong những năm gần đây, với hàng chục dự án đã và đang triển khai, quận Ngũ Hành Sơn là một công trường lớn quanh năm sôi động việc dựng xây. Hàng trăm ha đất canh tác bị thu hồi cho nhu cầu mở rộng đô thị, số hộ phải di dời giải tỏa, lao động chưa có việc làm rất lớn. Giải quyết vấn đề đó, quận Ngũ Hành Sơn chủ trương triển khai các dự án phát triển kinh tế phù hợp với đặc thù của địa phương, đặc biệt đang ưu tiên đầu tư xây dựng 3 làng nghề quy mô lớn là làng nghề đá mỹ nghệ, làng nghề sản xuất rau an toàn, làng nghề nuôi trồng nấm.   

Làng đá mỹ nghệ thu hút đông đảo khách du lịch. 

Về làng đá mỹ nghệ Non Nước, hiện nay có 583 cơ sở sản xuất kinh doanh đá mỹ nghệ và trên 3.000 lao động. Thu nhập của làng nghề gần 80 tỷ đồng/năm, chiếm tỷ trọng 27% tổng thu nhập của toàn quận, sản phẩm của làng nghề này đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới. Dự án quy hoạch lại làng nghề đã được thành phố phê duyệt, sẽ triển khai trong năm nay. Với vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng, làng nghề sẽ xây mới trên phạm vi 37ha tại khu vực Đông Trà, phường Hòa Hải. Ông Huỳnh Cự, Trưởng phòng Kinh tế quận cho rằng, sau khi dự án hoàn thành, làng nghề sẽ góp phần đẩy mạnh hoạt động du lịch và ngược lại.

Từ lâu, Ngũ Hành Sơn đã nổi tiếng với làng rau An Thượng. Ngày chưa giải tỏa, 36ha ven sông Hàn là nơi sản xuất của gần 400 hộ dân, hằng năm cung cấp cho thị trường 4-5 nghìn tấn rau xanh các loại. Đây là vùng rau sản xuất theo lối chuyên canh quy mô lớn nhất thành phố. Sau khi vùng rau này giải tỏa, người dân An Thượng được bố trí sản xuất tại Đa Mặn. Và vùng rau mới 21ha ra đời ngay sau đó, là nơi sản xuất của hơn 100 hộ dân quanh vùng. Cùng theo đó, vùng rau ở A 20 phường Hòa Hải cũng phát triển rất nhanh, tạo việc làm cho hàng chục hộ dân.

Tuy vậy, các vùng rau này đang nằm trong diện giải tỏa. Dự án sản xuất rau an toàn và khí sinh học quy mô 30ha với vốn đầu tư 16 tỷ đồng từ Bộ NN&PTNT, bằng nguồn của Ngân hàng ADB đã triển khai tại phường Hòa Quý năm 2009. Vùng rau đã được quy hoạch ổn định lâu dài và sẽ là vùng chuyên canh quy mô lớn nhất thành phố. Ông Trần Văn Sơn, Chủ nhiệm HTX sản xuất rau cho rằng: Nghề trồng rau ở Ngũ Hành Sơn đã có từ rất lâu. Người dân có kỹ năng trồng rau rất cao. Nay dự án mở ra là cơ hội cho làng nghề phát triển. Chắc chắn tương lai không xa, đây không chỉ là nơi sản xuất ra các loại rau cao cấp, mà còn là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.

Làng nghề thứ ba phải kể đến ở Ngũ Hành Sơn, đó là làng chuyên sản xuất nấm ăn. Làng nghề này hoàn toàn mới cho đến thời điểm hiện nay, mặc dù trên địa bàn đã có hàng trăm hộ triển khai việc trồng nấm từ nhiều năm nay. Cũng theo ông Huỳnh Cự, mục tiêu của địa phương là huy động sự hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp để xây dựng làng nghề chuyên sản xuất nấm cho các hộ nghèo, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp xóa nghèo ở địa phương. Hiện tại, dự án xây dựng làng nghề đã được phê duyệt, tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ đồng. Trước mắt, quận chi hơn 100 triệu đồng hỗ trợ cho các hộ tham gia dự án mua vật tư, nguyên liệu và giống.    

Chủ trương nâng cấp, xây dựng 3 làng nghề trên địa bàn Ngũ Hành Sơn không chỉ tạo việc làm cho hàng nghìn lao động sau giải tỏa, mà đây chính là điều kiện để khai thác tiềm năng tại chỗ phát triển kinh tế bền vững và hiệu quả. Chắc chắn chẳng bao lâu, ba làng nghề này sẽ là nơi làm ra nhiều của cải có giá trị.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.